50 năm thống nhất đất nước: Chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh

50 năm thống nhất đất nước: Chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh
10 giờ trướcBài gốc
Trong những ngày này, Thành phố Hồ Chí Minh tưng bừng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hoàng Bảo Long và các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận một nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa: Chia sẻ thêm về tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong câu chuyện cùng ông bà Allan Samuel, du khách đến từ Mỹ, Bảo Long và các bạn đã cố gắng thông tin cho 2 vị khách về những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn. “Bài học từ chiến tranh Việt Nam mang những ý nghĩa sâu sắc về hòa bình, quyền con người và sự đa dạng văn hóa. Việc giải thích cho bạn bè quốc tế hiểu rõ về những sai lầm và hậu quả của cuộc chiến có thể giúp tránh những điều tương tự trong tương lai. Chúng em rất tự hào khi góp tiếng nói giúp các bạn Mỹ hiểu hơn về văn hóa và địa lý, con người Việt Nam, mở ra cánh cửa để hiểu biết sâu hơn về văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố quan hệ giữa 2 nước” - Bảo Long chia sẻ.
Hoàng Bảo Long (ngoài cùng, bên trái) và các bạn trò chuyện cùng ông Allan Samuel
Tận mắt chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh sau nửa thế kỷ qua, người dân Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng, ông Allan Samuel rất cảm kích trước những chia sẻ của sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi không phải là cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, nhưng tôi thấy mình phải làm gì đó để đóng góp vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Trước khi sang Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng, tôi đã kịp tham gia dự án “Trái tim những người lính” - một kế hoạch đầy nhân văn của các cựu binh Mỹ với mục đích đưa những người từng tham chiến trở lại Việt Nam để chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, để những cựu binh và người thân của những nạn nhân trong cuộc chiến có thể giãi bày cảm xúc cùng nhau” - ông Allan Samuel bộc bạch.
Nhiều năm qua, các tổ chức phi chính phủ cũng như các quỹ, các cá nhân là đối tác của Mỹ và của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã hỗ trợ với giá trị ước tính hàng triệu USD để chăm sóc nạn nhân chiến tranh ở các địa phương, xây nhà tình thương, các cơ sở văn hóa, thư viện, tặng quà, vật nuôi cho người dân vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều đoàn cựu binh Mỹ đã đến Việt Nam ủng hộ tiền, phương tiện học tập cho người khuyết tật và các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở các địa phương của Việt Nam. Ngày càng có thêm nhiều cựu binh Mỹ và gia đình tới Việt Nam, mang theo hàng trăm hồ sơ, tài liệu, kỷ vật chiến trường để trao cho các cơ quan chức năng, gia đình liệt sĩ hoặc các bảo tàng của Việt Nam, giúp tìm kiếm hài cốt của bộ đội hy sinh, mất tích trên các chiến trường năm xưa.
Tại cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện vào tối 27-4, cuộc trao lại kỷ vật do một cựu binh người Mỹ lưu giữ cho một gia đình liệt sĩ ở Việt Nam gây xúc động cho nhiều người. Cựu binh Adolph Novello khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã thu, giữ lại được nhiều giấy tờ, trong đó có những giấy tờ mang tên Kha Văn Việt và khi rời chiến trường Việt Nam, ông đã mang những kỷ vật đó về Mỹ, cất giữ trong một chiếc hộp suốt 50 năm. Đúng vào dịp kỷ niệm đặc biệt này của dân tộc Việt Nam, cựu binh Novello có nguyện vọng mang những giấy tờ và kỷ vật trao lại cho thân nhân của liệt sĩ. Dù không có mặt tại sự kiện, song kỷ vật mà ông Novello lưu giữ đã được trao lại cho người thân của liệt sĩ Kha Văn Việt (dân tộc Thái, hy sinh ở Quảng Trị) ngay tại sân khấu của chương trình là một điểm nhấn đầy cảm xúc về sự thấu hiểu, đồng cảm và mong muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Những kỷ vật đầy cảm xúc mà cựu binh Mỹ Adolph Novello trao lại cho gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt (ảnh chụp màn hình)
Bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thời chiến tranh, ngay trong lòng nước Mỹ, làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ của những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình. Sau chiến tranh, hoạt động đối ngoại nhân dân đã trở thành nhịp cầu giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, góp phần xây dựng lòng tin, chung tay giải quyết các vấn đề thời hậu chiến để 2 nước cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”.
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh Susan Burns (áo trắng) trao trả kỷ vật chiến tranh của cựu binh địa đạo Củ Chi cho thân nhân liệt sĩ
Hưng Cát - Đặng Hùng
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172180/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-chung-tay-han-gan-vet-thuong-chien-tranh