Nhìn lại để tiến xa hơn
Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, chiến thắng 30/4/1975 là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam sau 30 năm kháng chiến để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là thắng lợi của ý chí, của khát vọng thống nhất dân tộc. Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của người Việt mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và lòng yêu nước mãnh liệt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ngày 19/4 thực hiện nghi thức gắn biển công trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Nhật Bắc/VGP
Nhắc lại sự kiện lịch sử trọng đại này, trong buổi gặp mặt lãnh đạo lão thành cách mạng, người có công nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước được tổ chức vào ngày 21/4 tại TPHCM, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Không áng văn nào có thể phản ánh đầy đủ sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, của bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; không tác phẩm nào có thể diễn tả hết ý chí và sức mạnh to lớn của nhân dân ta, đất nước ta trong khát vọng “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Thống nhất chính là bước ngoặt để Việt Nam tái thiết và phát triển đất nước. Vượt qua đau thương, đứng lên với khát vọng xây dựng một đất nước hòa bình, thịnh vượng, năm 1986, với đường lối đổi mới của Đại hội VI, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, Việt Nam đã chuyển dần sang nền kinh tế thị trường.
“Chỉ 1 năm sau khi Đảng ban hành Nghị quyết khoán 10 trong sản xuất nông nghiệp, nước ta từ chỗ thiếu ăn đã dư thừa lương thực, xuất khẩu hàng triệu tấn. Điều đó cho thấy những thành quả to lớn mà đổi mới đem lại”, ông Phúc nói.
Tuy vậy, theo ông, sau 50 năm thống nhất, gần 40 năm đổi mới, đất nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 thành nước phát triển, có thu nhập cao khó có thể đạt được nếu không có những cải cách sâu rộng.
Chủ trì lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, chặng đường 50 năm thống nhất đất nước không chỉ là hành trình để ghi nhớ những trang sử hào hùng của dân tộc, chiêm nghiệm những bài học kinh nghiệm, mà còn ghi lại quá trình phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước.
“Nhìn lại để tiến xa hơn, nhìn lại để trở nên mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn, cùng hướng tới tương lai với hào khí, niềm tin và động lực mãnh liệt, sắt son, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của đất nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kỳ vọng “Đổi mới 2.0”
Đảng đã khởi xướng công cuộc “Đổi mới 2.0” có ý nghĩa sâu rộng nhằm tăng tốc, bứt phá phát triển, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. “Nghị quyết khoán 10” trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ví như là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc. Bên cạnh đó, các cơ quan của Đảng cũng đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân. Trong đó xác định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
TPHCM sẽ trở thành một siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực. Ảnh: Ngọc Dương/Thanh Niên
Đặc biệt, từ tháng 10/2024 đến nay, Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, với việc hợp nhất các bộ, ngành; sáp nhập các tỉnh, thành và tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, từ cấp tỉnh xuống thẳng cấp xã (bỏ cấp huyện).
Theo ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, đây là một công việc khó khăn phức tạp, thường phải mất cả nhiệm kỳ mới thực hiện được. Tuy nhiên, lần này, việc sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt, cả hệ thống vào cuộc, trong đó Trung ương làm gương, thực hiện trước. Nhờ đó, chỉ sau vài tháng, các cơ quan Trung ương đã hoàn thành việc sắp xếp các bộ, ngành, mở ra bài học để tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt lãnh đạo lão thành cách mạng, người có công, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài. Mục tiêu bao trùm của chủ trương này là làm sao nhanh chóng mang lại cuộc sống thực sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đất nước ngày một hùng cường; để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại; mở rộng không gian phát triển, tạo lợi thế so sánh và dư địa phát triển mới cho các đơn vị hành chính mới. Điều này tạo nên không gian phát triển đa dạng về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt liên thông núi rừng - đồng bằng - biển đảo nhằm bổ sung, tương tác, hỗ trợ nhau phát triển.
Với TPHCM, Tổng Bí thư cho rằng, việc sắp xếp với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là để trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng. TPHCM mở rộng sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế và sáng tạo quốc gia và khu vực.
Các chuyên gia đánh giá, việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, đồng thời sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là cuộc cách mạng có ý nghĩa quan trọng để đất nước phát triển mới. Bởi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ giúp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm chi thường xuyên, mà còn tạo động lực quan trọng để xây dựng chính quyền phục vụ tốt hơn nhân dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, việc sáp nhập các tỉnh sẽ mở ra không gian mới, nguồn lực mới để các địa phương phát triển.
Với tất cả những chuyển động mang tính bước ngoặt của đất nước thời gian qua, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, đây không chỉ là kỷ nguyên phát triển bứt phá về kinh tế, xã hội mà còn là thời kỳ khẳng định khát vọng của toàn dân tộc hướng tới tương lai tươi sáng hơn; thể hiện trên thực tế vị thế là một nền kinh tế năng động trong khu vực và trên thế giới.
Văn Kiên