Vươn mình trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Vươn mình trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo
4 giờ trướcBài gốc
Ứng dụng AI nâng tầm quản trị đô thị
Khu vực kinh tế đô thị hiện đóng góp tới 70% GDP cả nước, nhưng cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Việc nâng tầm quản trị đô thị trở thành yêu cầu cấp thiết - không chỉ để tối ưu hóa nguồn lực xã hội, mà còn để kiến tạo hệ thống thể chế chính trị, pháp lý, tài chính linh hoạt, chính quyền địa phương tinh gọn, môi trường đầu tư minh bạch và cơ chế ra quyết định chính xác, hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, sự bùng nổ của AI có thể trở thành bước ngoặt mang tính cách mạng, giúp các thành phố vượt qua thách thức và vươn tới tầm cao mới. Có hai nguồn lực mà AI có thể nhanh chóng được ứng dụng để tạo ra đột phá phát triển trong quản trị đô thị, đó là nguồn lực xã hội và nguồn lực sản phẩm.
Trong nguồn lực xã hội, trước hết là môi trường đầu tư kinh doanh và quản trị đô thị. Tự động hóa thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, quản lý đô thị là cách sử dụng AI phổ biến nhất, vì đầu tư ít tốn kém nhất và dễ triển khai nhất. AI có thể tự động hóa hầu hết các quy trình này. Mọi đơn xin cấp phép có thể được điền hoặc xem xét chỉ trong vài phút. Dữ liệu có thể được chia sẻ từ cơ quan này sang cơ quan khác mà không cần sự giám sát của con người. AI cũng có thể tự động hóa hàng trăm nhiệm vụ thay thế cho con người, tiết kiệm thời gian và tiền bạc; do đó công chức có thể dành thời gian của mình cho các công việc chiến lược quan trọng với tầm nhìn lớn hơn cho thành phố.
TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ, khẳng đinh vị thế của thành phố mang tên Bác trong cuộc cách mạng AI. Ảnh: Duy Linh
Đối với quan hệ cộng đồng, AI tăng cường mối quan hệ của chính quyền địa phương với cư dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân, doanh nghiệp để phản ánh với các cấp chính quyền. AI có thể giúp các thành phố trở nên dân chủ hơn, và sát với mô hình “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” hơn, bằng cách đơn giản hóa việc tiếp cận cả thông tin, dịch vụ.
Trong tương lai không xa, chúng ta có thể thấy cư dân hợp tác trong mọi loại dự án, AI sẽ tổng hợp những đóng góp của họ thành các khuyến nghị hiệu quả cho thành phố. Chúng ta cũng có thể hình dung các dịch vụ công năng động - không chỉ là chương trình sáp nhập và quy hoạch đô thị, mà còn là các chương trình xã hội, hoạt động thực thi pháp luật hoặc quy định xây dựng - thích ứng với thời gian thực và nhu cầu thay đổi của cư dân.
TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế của thành phố mang tên Bác trong cuộc cách mạng công nghệ AI, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đây là công nghệ mũi nhọn, đột phá và cần phải có kế hoạch triển khai nghiên cứu phát triển, ứng dụng ngay vào những lĩnh vực hành chính công”.
Trong nguồn lực sản phẩm, “quyết định” là sản phẩm trí tuệ đặc biệt quan trọng, là điểm khởi đầu cho mọi hành động và là yếu tố quyết định chất lượng của các sản phẩm đầu ra trong quản trị và phát triển đô thị. AI không chỉ cung cấp khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ (Big Data), mà còn giúp các nhà quản lý nâng cao chất lượng ra quyết định, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển đô thị bền vững.
Thực tế cho thấy, các đô thị lớn đang thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về môi trường sống - từ chất lượng không khí, tiếng ồn, lưu lượng giao thông, cho đến hoạt động xây dựng và tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, do thiếu hụt về kỹ năng và nguồn lực, phần lớn kho dữ liệu này chưa được khai thác đúng mức. AI có thể khắc phục khoảng trống này nhờ vào khả năng xử lý thông tin nhanh chóng, chi phí thấp và khả năng học hỏi, thích ứng không ngừng. Với việc tích hợp dữ liệu từ các nguồn như camera, cảm biến, khảo sát xã hội hay ngôn ngữ tự nhiên, AI giúp mô phỏng và dự báo xu hướng, đưa ra các đề xuất chính sách theo thời gian thực.
Một ví dụ điển hình là ứng dụng AI trong thiết kế mô hình giao thông công cộng (MRT) tại các khu vực trung tâm, giúp giảm thiểu ùn tắc, mở đường cho tăng trưởng bền vững. Đặc biệt, trong lĩnh vực quy hoạch, các nhà nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã phát triển hệ thống quy hoạch đô thị ứng dụng AI có năng lực vượt trội, sánh ngang và thậm chí vượt qua các kiến trúc sư chuyên nghiệp, mở ra tương lai mới cho những thành phố thông minh toàn diện.
Gắn chiến lược AI với tầm nhìn phát triển
Là trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh hiện đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách quốc gia. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố xếp hạng 111 trong số 1.000 thành phố toàn cầu và giữ vị trí thứ ba tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), TP. Hồ Chí Minh vẫn đang đứng ở nhóm giữa, phản ánh dư địa cải cách còn rất lớn.
Dù còn nhiều thách thức, TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế của thành phố mang tên Bác trong cuộc cách mạng công nghệ AI, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đây là công nghệ mũi nhọn, đột phá và cần phải có kế hoạch triển khai nghiên cứu phát triển, ứng dụng ngay vào những lĩnh vực hành chính công”. AI có thể trở thành động lực mạnh mẽ giúp thành phố tinh gọn bộ máy hành chính, đổi mới phương thức phục vụ Nhân dân, từ đó mở rộng không gian sáng tạo, tăng hiệu quả quản trị và nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị.
Các nghiên cứu điển hình cho thấy có bốn yếu tố chính bảo đảm cho chiến lược ứng dụng AI thành công cho TP. Hồ Chí Minh.
Đầu tiên là tầm nhìn. Theo đó, một chiến lược AI thành công cần gắn liền với tầm nhìn phát triển đô thị dài hạn rộng mở và xa hơn với hệ thống mục tiêu cùng các ưu tiên được xác định rõ ràng. Trước hết, cần bắt đầu bằng việc nhận diện những nhu cầu cấp thiết nhất của đô thị, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp để phục vụ mục tiêu đã đề ra. Nói cách khác, AI không nên được triển khai chỉ vì mục tiêu phát triển công nghệ, càng không phải là một phong trào mang tính hình thức. AI là công cụ chứ không phải đích đến nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể trong đời sống xã hội và quản trị đô thị. Điều quan trọng là TP. Hồ Chí Minh cần xác lập tầm nhìn tổng thể, cùng các mục tiêu ưu tiên, sau đó nghiên cứu xem AI có thể giúp biến bức tranh đô thị tương lai ấy thành hiện thực như thế nào.
Thứ hai là gỉai tỏa nút thắt trong hệ thống.AI có thể cải thiện hiệu quả quản trị và mọi lĩnh vực của đời sống đô thị. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng công nghệ này thường bị cản trở bởi những quy định rườm rà, tư duy bảo thủ hay động cơ lệch lạc. Chính vì vậy, trước khi kỳ vọng công nghệ thay đổi thành phố, bản thân thành phố cần thay đổi trước. Điều đó đòi hỏi một cuộc chuyển đổi từ bên trong, nơi chính quyền đô thị chủ động rà soát, xác định và loại bỏ những trở ngại đang ngăn trở đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo thành phố cần bảo đảm rằng tinh thần đổi mới phát triển mạnh mẽ ở mọi cấp chính quyền. Trước hết phải xây dựng một môi trường đô thị dân chủ, công bằng vì đổi mới sáng tạo thường là kết quả của tự do bình đẳng, và là khởi nguồn của sự thịnh vượng. Tiếp theo, phải xây dựng các nhóm chuyên trách về AI để giải quyết các nút thắt cụ thể trong hệ thống. Cuối cùng, phải kiểm tra, tổng kết và điều chỉnh nhằm bảo đảm chiến lược được đi đúng hướng.
Thứ ba là quan hệ đối tác công - tư (PPP). Chính quyền thành phố với chức năng hành pháp mạnh mẽ cần xây dựng và phát huy mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Bởi lẽ, đối với công nghệ mới AI, các nhà nghiên cứu và công ty khởi nghiệp thường hiểu rõ hơn nhiều so với chính quyền địa phương. Chính quyền thành phố có thể kết nối các công ty khởi nghiệp, các nhà nghiên cứu ở trường đại học để đẩy nhanh quá trình phát triển các sáng kiến hướng đến cộng đồng. PPP đóng vai trò quan trọng đối với thành công, vì mỗi bên đều mang lại những phẩm chất bổ sung cho nhau.
Cuối cùng là nguyên tắc quản trị. Khi triển khai chiến lược AI, thành phố phải thực thi các nguyên tắc quản trị AI có trách nhiệm. Đầu tiên, các thành phố nên thành lập các hội đồng giám sát AI để kiểm tra các nguồn dữ liệu và thuật toán về độ chính xác, tính đại diện. Mọi hệ thống AI giao tiếp với cư dân phải được thử nghiệm để bảo đảm khả năng tiếp cận phù hợp. Thành phố cần phải có được sự đồng ý và bảo vệ quyền riêng tư của công dân; cũng như cần có sự tham gia của công dân trong suốt quá trình thực thi chiến lược.
Chắc chắn rằng, với người bạn đồng hành là trí tuệ nhân tạo, TP. Hồ Chí Minh, trong tầm nhìn kỷ nguyên vươn mình của đất nước, sẽ tiếp tục viết nên những trang sử phát triển rực rỡ; hướng tới trở thành trung tâm đô thị biển, logistics và tài chính hiện đại không chỉ trong khu vực mà còn vươn tầm thế giới. Để rồi, lời ca “ngày vui đại thắng” sẽ tiếp tục vang vọng trên bước đường thành công của thành phố mang tên Bác.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/vuon-minh-trong-ky-nguyen-tri-tue-nhan-tao-post411870.html