Bài 3: Những khuyến nghị giúp Đà Nẵng định vị sự khác biệt và nâng cao vị thế

Bài 3: Những khuyến nghị giúp Đà Nẵng định vị sự khác biệt và nâng cao vị thế
5 giờ trướcBài gốc
Đà Nẵng đã dành sẵn nhiều khu đất để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế
Mô hình Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Đà Nẵng hiện cơ bản được định hình rõ. Khác với TTTCQT tại TP Hồ Chí Minh tập trung vào thị trường vốn, TTTCQT tại Đà Nẵng chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại và đổi mới công nghệ tài chính(fintech), phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.
Dẫu vậy, TP cần có lộ trình rõ ràng, chính sách thu hút hợp lý và chiến lược phát triển phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần nâng cao vị thế tài chính của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế.
Bảo đảm khả năng tiếp cận tài chính trên toàn quốc
Chia sẻ về định hướng phát TTTC tại Việt Nam, ông Andy Khoo, Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holdings (Singapore) bày tỏ, Việt Nam đứng trước một thời điểm mang tính bước ngoặt trong hành trình phát triển kinh tế, với bước đi táo bạo khi đề xuất các chính sách chưa từng có cho các TTTCQT tại TP HCM và Đà Nẵng. Sự phát triển kịp thời này cho thấy tầm nhìn, cam kết của Chính phủ trong việc nắm bắt các cơ hội toàn cầu và định vị Việt Nam như một TTTC cạnh tranh. Với việc hình thành TTTCQT sẽ đóng góp quan trọng vào GDP của Việt Nam.
Ông Andy Khoo cho rằng, TP HCM là TTTCQT trọng điểm, đóng vai trò cửa ngõ toàn cầu cho thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp. Còn TTTCQT tại Đà Nẵng bảo đảm khả năng tiếp cận tài chính trên toàn quốc và giảm sự phụ thuộc quá mức vào một TTTC duy nhất (TP HCM).
Khác với TTTCQT tại TP HCM tập trung vào thị trường vốn, TTTCQT tại Đà Nẵng có thể chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.
Ông Andy Khoo, Tổng giám đốc Tập đoàn Terne Holdings (Singapore) bày tỏ, Việt Nam đứng trước một thời điểm mang tính bước ngoặt trong hành trình phát triển kinh tế. Khi định vị TTTCQT tại Đà Nẵng trên bản đồ tài chính toàn cầu, việc học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore, Dubai (DIFC) và các trung tâm mới nổi như GIFT City hay Labuan là điều rất quan trọng.
Ông Andy Khoo nhấn mạnh, khi định vị TTTCQT tại Đà Nẵng trên bản đồ tài chính toàn cầu, việc học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore, Dubai (DIFC) và các trung tâm mới nổi như GIFT City hay Labuan là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, Đà Nẵng không nên đơn thuần sao chép mà cần định hình một bản sắc riêng biệt.
“Tận dụng thế mạnh của Việt Nam và các cơ hội trong khu vực, TTTCQT Đà Nẵng có thể tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ) và cảng tự do (Le Freeport) sẽ cung cấp các lợi thế về thuế và giải pháp lưu trữ cho các tài sản có giá trị cao. Vận hành bằng tiếng Anh là bắt buộc để đảm bảo sự tin cậy từ các nhà đầu tư quốc tế”, ông Andy Khoo chia sẻ.
Về tài chính xanh, ông Andy Khoo cho biết, cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng với nhu cầu tài chính xanh trị giá 1 nghìn tỷ USD của ASEAN vào năm 2030 mang đến một cơ hội lớn. TTTCQT tại Đà Nẵng có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này bằng cách phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính dành riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến tính bền vững. Những bước đi này sẽ giúp TTTCQT Đà Nẵng trở thành TTTC xanh của ASEAN.
Về đổi mới fintech, theo ông Andy Khoo, fintech đang cách mạng hóa tài chính toàn cầu và Việt Nam đã là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về việc áp dụng tiền điện tử, nằm trong top 10 toàn cầu. Đà Nẵng có thể trở thành một sandbox (mô hình thử nghiệm có kiểm soát) cho các start-up trong các lĩnh vực blockchain, thanh toán kỹ thuật số, các giải pháp tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (Gen AI). Với các chính sách khuyến khích đổi mới, TTTCQT tại Đà Nẵng có thể thu hút các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính toàn cầu, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới fintech trong khu vực.
Về tài chính thương mại, ông Andy Khoo nhìn nhận, vị trí địa lý của Đà Nẵng gần các tuyến thương mại quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng với các cảng lớn như Tiên Sa và Liên Chiểu, đưa TP trở thành một trung tâm cho tài chính thương mại.
Theo CEO Terne Holdings, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) khu vực ASEAN đang có nhu cầu tài chính thương mại lớn nhưng chưa được đáp ứng. TTTCQT Đà Nẵng có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các giải pháp tài chính thương mại mới và tạo điều kiện cho dòng vốn di chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch.
Ngoài ra, CEO Terne Holdings cũng đưa ý kiến, TP Đà Nẵng nghiên cứu triển khai cảng tự do để lưu trữ an toàn cho tài sản có giá trị cao, qua đó thu hút các cá nhân giàu có và các ngân hàng đang tìm kiếm giải pháp tài chính dựa trên tài sản; cung cấp các cơ sở trọng tài cho các tranh chấp thương mại và các ưu đãi thuế trong khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ). Đây là các yếu tố khác biệt giúp TTTCQT tại Đà Nẵng có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường tài chính toàn cầu.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Tuy nhiên, nhìn nhận về điều kiện hiện tại của Đà Nẵng để hình thành TTTCQT, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cũng nhận định, Đà Nẵng còn nhiều thách thức.
PGS.TS Bùi Quang Bình chỉ ra, thị trường tài chính của TP còn non trẻ, thiếu chiều sâu và chưa có sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ. Khuôn khổ pháp lý về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu các cơ chế về quản lý giao dịch tài chính xuyên biên giới, sandbox cho fintech hay ưu đãi thuế để thu hút định chế tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao, có chuyên môn sâu, thành thạo ngoại ngữ và hiểu biết về thị trường quốc tế vẫn còn thiếu.
Với sự ủng hộ từ Trung ương, vị trí chiến lược, môi trường kinh doanh thuận lợi và các giải pháp đồng bộ, Đà Nẵng có tiềm năng lớn để trở thành TTTCQT. Song, TP cần có lộ trình rõ ràng, chính sách thu hút hợp lý và chiến lược phát triển phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần nâng cao vị thế tài chính của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế.
Để phát triển dịch vụ tài chính và thu hút các định chế tài chính quốc tế vào Đà Nẵng, PGS.TS Bùi Quang Bình cũng đưa nhiều gợi ý như TP cần triển khai các giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách ưu đãi bằng cách xây dựng cơ chế pháp lý đặc thù, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý tài chính, thử nghiệm mô hình sandbox cho fintech, tài sản số và giao dịch ngoại tệ nội bộ.
Đà Nẵng nên áp dụng chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế giai đoạn đầu cho các định chế tài chính, đồng thời thiết lập cơ chế “một cửa, một đầu mối” để đơn giản hóa thủ tục cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tài chính hoạt động.
Bên cạnh đó, TP cần phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ bằng cách xây dựng khu tài chính chuyên biệt kết nối với Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo hệ sinh thái tài chính-logistics đồng bộ. Việc ứng dụng các công nghệ như fintech, blockchain, AI và big data sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả giao dịch, đồng thời phát triển sàn giao dịch tài chính chuyên biệt hỗ trợ giao dịch vốn, chứng khoán, ngoại hối và tài sản số.
TTTCQT tại Đà Nẵng có thể chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu.
Để thu hút các định chế tài chính quốc tế, Đà Nẵng cần chủ động hợp tác với các TTTC toàn cầu như Singapore, Hong Kong, Dubai nhằm tạo chuỗi giá trị tài chính liên kết. TP cần đầu tư mạnh vào đào tạo và thu hút nguồn nhân lực tài chính quốc tế bằng cách liên kết với các trường đại học, cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu về tài chính quốc tế, fintech, quản lý tài sản. Đồng thời, việc phát triển môi trường sống chất lượng cao với các khu đô thị cao cấp, dịch vụ quốc tế sẽ giúp thu hút và giữ chân nhân sự tài chính trình độ cao.
Ngoài ra, Đà Nẵng cần nâng cao năng lực quản trị và tăng cường xúc tiến đầu tư bằng cách minh bạch hóa thông tin tài chính, triển khai hệ thống dữ liệu mở, chuẩn hóa báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế. Đà Nẵng tổ chức các hội nghị tài chính quốc tế, mời gọi các tập đoàn tài chính lớn và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh TTTC Đà Nẵng. Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cũng cần chú trọng để góp phần nâng cao niềm tin của các định chế tài chính khi lựa chọn Đà Nẵng làm điểm đến.
Vũ Vân Anh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/bai-3-nhung-khuyen-nghi-giup-da-nang-dinh-vi-su-khac-biet-va-nang-cao-vi-the-post547223.html