Từ những hố bom khô cằn, một Tây Ninh hôm nay đang trỗi dậy với những cánh đồng xanh mướt, hiện đại, đô thị khang trang, công nghiệp phát triển và đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.
Đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) với nhiều công trình tạo dấu ấn hút khách du lịch. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Từ những hố bom khô cằn đến vùng đất “nở hoa”
Ngay sau chiến tranh, Tây Ninh tiếp tục bước vào cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam trước chế độ diệt chủng Pol Pot. Trong muôn vàn gian khó, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh vẫn kiên cường giữ đất, ổn định đời sống, đồng thời thể hiện tinh thần nhân ái khi cưu mang gần 30.000 người dân Campuchia chạy nạn. Cũng từ những năm tháng đó, Tây Ninh bắt đầu hành trình hồi sinh, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa xây dựng lại quê hương từ con số gần như bằng không.
Theo Tỉnh ủy Tây Ninh, sau chiến tranh, 60 trong tổng số 73 xã bị tàn phá hoàn toàn. Đất khô cằn, lỏm chỏm hố bom, thiếu thủy lợi, đầy rẫy bom mìn chưa nổ; công nghiệp hầu như không có gì, chỉ chiếm 2% trong cơ cấu kinh tế; thương nghiệp, dịch vụ, công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng hầu như không có; y tế, giáo dục thiếu thốn. Cả tỉnh chỉ có 2.657 lớp học phổ thông và mẫu giáo phần lớn được cải tạo từ các cơ sở cũ bị hư hỏng do chiến tranh. Cũng từ đó, khát vọng vươn lên của người dân càng trở nên mãnh liệt.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, những năm đầu sau giải phóng, Tây Ninh là một tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 200 USD/năm vào thập niên 1980, thì đến năm 2025 ước đạt 4.632 USD/năm (khoảng 115 triệu đồng), tăng hơn 23 lần so với thời kỳ đầu đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh giai đoạn 2020-2025 đạt bình quân trên 7%/năm, riêng năm 2024 đạt 8,45%, cao hơn mức bình quân.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng. Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế và môi trường bền vững chung cả nước. Tây Ninh cùng cả nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có nhiều tiến bộ vượt bậc. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân ngày càng được chú trọng, nâng cao, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 92%. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ trên 30% (năm 1992) xuống còn 0,13% vào năm 2024 - thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được thực hiện thường xuyên, phong phú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, chủ quyền biên giới quốc gia được đảm bảo. Công tác đối ngoại được củng cố và phát triển.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh chia sẻ, trải qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ngành nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển mình ấn tượng, đánh dấu sự đổi thay toàn diện cả về tư duy lẫn phương thức sản xuất. Từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, manh mún và năng suất thấp, đến nay Tây Ninh đã hình thành được một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại và hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn dần xuất hiện, góp phần tái cơ cấu ngành theo hướng bền vững. Tây Ninh hiện là địa phương đi đầu trong phát triển vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chuỗi chế biến sâu và xuất khẩu, đặc biệt ở các lĩnh vực như cao su, mía đường, cây ăn trái, rau màu và chăn nuôi công nghệ cao.
Trong đó, thu hút, mời gọi đầu tư trong sản xuất nông nghiệp tăng nhanh, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại đạt trên 81,5%; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt 115 triệu đồng/ha. Các hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Xuân đánh giá: “Ngành nông nghiệp Tây Ninh đã không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, chăn nuôi, tạo ra giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nông nghiệp Tây Ninh đang dần trở thành trụ cột phát triển bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo việc làm, nâng cao chất lượng sống cho người dân”.
Biên cương hồi sinh, từ gian khổ đến an cư
Lễ khởi công xây dựng 22 căn nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho bà con nghèo ở vùng biên giới thuộc xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương/TTXVN
Trên hành trình nửa thế kỷ hồi sinh, không chỉ phát triển kinh tế, Tây Ninh còn đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân - nhất là tại các vùng biên giới từng gánh chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 172 hộ người có công, cùng với hỗ trợ nhà cho 525 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nguồn lực đến từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần đoàn kết, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới ấm no, văn minh. Nhờ đó, nhiều vùng biên giới đang khoác lên mình diện mạo mới.
Từ một huyện biên giới còn nhiều khó khăn, Tân Châu hôm nay đã thay da đổi thịt: đường bê tông trải dài, những ngôi nhà khang trang dần thay thế mái lá tạm bợ, hạ tầng giao thông và thủy lợi được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Bà Trần Thị Ngoan (59 tuổi, xã Tân Hà, huyện Tân Châu) nghẹn ngào xúc động khi đứng trên mảnh đang hoàn thiện những bước cuối cùng của ngôi nhà mới. Với bà Ngoan, một mái nhà vững chãi từng là ước mơ xa vời giữa cuộc sống mưu sinh vất vả nơi vùng biên. Bà Ngoan là một trong 22 hộ nghèo ở ấp Tân Lâm, xã Tân Hà được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu, chia sẻ, tinh thần tương thân tương ái luôn là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những năm qua, với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nhiều chương trình an sinh xã hội đã được triển khai hiệu quả, trong đó có việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho bà con nghèo. 22 căn nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết được hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước, như một món quà ý nghĩa trao gửi yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ dừng lại ở đó, địa phương còn tích cực kết nối với doanh nghiệp để tạo việc làm, tạo sinh kế, giúp bà con có thêm thu nhập, vững vàng hơn trên hành trình xây dựng cuộc sống mới. Những việc làm ấy không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn lan tỏa tình người, tiếp thêm niềm tin cho những mảnh đời còn nhiều gian khó.
Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh nhấn mạnh, có được những thành tựu hôm nay, Tây Ninh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương; là kết quả của sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận, nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Tây Ninh trong suốt nửa thế kỷ qua. Đặc biệt trong 2025, tỉnh quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Từ một tỉnh nghèo, Tây Ninh hôm nay đang khẳng định vị thế mới, là vùng đất tiềm năng, năng động, nơi người dân có khát vọng vươn lên và sẵn sàng đón nhận những cơ hội phát triển mới. Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, Tây Ninh không chỉ hồi sinh từ tro tàn chiến tranh, mà còn đang từng bước vươn mình trở thành trung tâm kinh tế - nông nghiệp - du lịch hiện đại, xanh và bền vững.
Bài cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới
Thanh Tân - Giang Phương - Minh Phú (TTXVN)