Diện mạo đô thị Việt Nam vươn tầm hiện đại

Diện mạo đô thị Việt Nam vươn tầm hiện đại
6 giờ trướcBài gốc
Chất lượng đô thị có những bước tiến đáng kể. Ảnh: ST
Kinh tế khu vực đô thị đóng góp 70% GDP
Nhìn lại quá trình phát triển đô thị của Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước, TS,KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, dấu mốc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 đã mở ra bước ngoặt lớn cho sự phát triển đô thị của Việt Nam, khi sự phát triển đô thị giữa hai miền Nam - Bắc vốn trước đó phát triển theo hai hướng tương đối khác nhau thì đã hòa đồng phát triển theo cùng một hướng, từ đó là tiền đề để đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị. Theo đó, nếu như năm 1986 khi đất nước bước vào đổi mới, cả nước mới có khoảng 500 đô thị, thì đến đầu năm 2025, số lượng đô thị trong cả nước đã đạt khoảng 920 đô thị.
Cùng với tăng nhanh về số lượng, tỷ lệ đô thị hóa cũng tăng lên, từ mức khoảng 19% năm 1986 lên 49% hiện nay. Chất lượng đô thị hóa cũng có những bước tiến đáng kể, khi cảnh quan và không gian kiến trúc trong các đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, với sự xuất hiện của nhiều công trình cao tầng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiệu quả hơn; song song với việc bảo tồn những khu phố cổ, không gian di sản…
Nghị quyết số 06-NQ/TW đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt trên 50%. Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Những kết quả tích cực trong quản lý, phát triển đô thị đã đóng góp quan trọng để các đô thị phát huy vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng miền, địa phương và là một động lực chủ đạo trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, nhờ vào sự đóng góp của các đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt hơn 476 tỷ USD, trong đó kinh tế khu vực đô thị chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP); chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Nghiêm, sự phát triển đô thị trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để. Chẳng hạn như, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với nhiều nước, khu vực trên thế giới. Đơn cử, hiện nay tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc là hơn 50%, Hàn Quốc là 80%, các nước châu Âu là hơn 70%, trong khi Việt Nam mới đạt 49%.
Bên cạnh đó, chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị, đặc biệt là đối với các thành phố lớn, gây ra nhiều khó khăn trong đời sống đô thị như tắc nghẽn giao thông, ngập lụt cục bộ, thiếu nhà ở, thiếu không gian xanh… Đơn cử, ông Nghiêm cho biết, thông thường trên thế giới, đối với các đô thị có trên 1 triệu dân thì tỷ trọng đất tự nhiên dành cho phát triển giao thông phải đạt từ 20 - 25%, tuy nhiên ở Việt Nam tỷ lệ này còn thấp, ví dụ như Hà Nội tỷ lệ này mới chỉ đạt khoảng 12%.
Hạn chế nữa được chuyên gia GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra là quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng gây ra nhiều tác động tiêu cực…
Thúc đẩy phát triển đô thị nhanh, bền vững
Những hạn chế trong phát triển đô thị thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là do nhiều nguyên nhân, trong đó những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Biểu hiện là, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững. Công tác quy hoạch đô thị tại nhiều địa phương còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, quy hoạch đô thị phải điều chỉnh khá thường xuyên; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực quản lý và quản trị đô thị tại nhiều địa phương còn yếu, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị cũng như nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị…
Hiện nay cả nước có khoảng 920 đô thị. Ảnh minh họa
Từ thực tiễn đó cũng như trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, để thúc đẩy phát triển đô thị nhanh, bền vững, theo các chuyên gia, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ khung khổ hệ thống pháp luật về phát triển đô thị với pháp luật về các lĩnh vực khác liên quan. Trong đó, các nguyên tắc quy hoạch đô thị, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị cần được đảm bảo đi trước một bước và triển khai công khai, minh bạch. Mặt khác, các quy định pháp luật cũng cần hướng tới phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, để tăng tính chủ động cho các địa phương trong việc quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, nhất là cần quy hoạch đô thị theo hướng phát triển bền vững, tính đến yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu; cùng với đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, hạ tầng xã hội, trong đó chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông xanh, xây dựng công trình xanh.
Ngoài ra, trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, để nhanh chóng nắm bắt các vấn đề của đô thị phát sinh trên thực tiễn một cách có hệ thống, đầy đủ, chính xác, kịp thời, từ đó phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 số lượng đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 950 - 1.000 đô thị; đến năm 2030 đạt khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030. Nếu so sánh với các kết quả đã đạt được hiện nay thì chỉ tiêu về phát triển số lượng đô thị và tỷ trọng đóng góp của kinh tế khu vực đô thị vào GDP chưa đạt mục tiêu đề ra. Do đó, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần nâng cao nhận thức và quan tâm đúng mức hơn đến vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị, để những mục tiêu về phát triển đô thị trong thời gian tới sẽ không tiếp tục bị “lỡ hẹn”./.
THIỆN TRẦN
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/dien-mao-do-thi-viet-nam-vuon-tam-hien-dai-39848.html