50 năm xanh bên dòng Đa Nhim

50 năm xanh bên dòng Đa Nhim
8 giờ trướcBài gốc
NHIỀU CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI HIỆU QUẢ
Huyện Đơn Dương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm cải thiện đời sống cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Trần Hùng Dũng cho biết, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, như: miễn, giảm học phí cho 100% học sinh là con hộ nghèo, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo và người cao tuổi, hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo... Những nỗ lực này đã giúp cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 31% dân số huyện.
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Đơn Dương đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo nhanh và bền vững. Huyện đã chủ động sáng tạo trong việc tuyên truyền, chỉ đạo, vận động người dân tham gia, đồng thời bố trí ngân sách, kinh phí thực hiện giảm nghèo, điều chỉnh chính sách theo hướng có lợi hơn cho người dân nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm từ 4 - 5% mỗi năm, đời sống của họ được nâng cao rõ rệt.Đến cuối năm 2024, huyện Đơn Dương không còn hộ nghèo, còn 144 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,59%, trong đó, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 99 hộ, chiếm tỷ lệ 1,29%.
Năm 2025, huyện Đơn Dương không còn hộ nghèo, đời sống đồng bào DTTS được nâng cao
DẪN ĐẦU VỀ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Dòng Đa Nhim, khởi nguồn từ cao nguyên Lang Biang, đã mang lại nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho các cánh đồng rau nổi tiếng của huyện. Những năm qua, huyện Đơn Dương đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mô hình sản xuất hiện đại. Trên cánh đồng khoai tây ở thôn Kambutte, không khí thu hoạch sôi động với tiếng máy móc và tiếng cười nói của người dân, ông Tou Prong Cương, một nông dân địa phương, cho biết: “Giờ ở Kambutte không ai còn nói chuyện nghèo nữa. Chúng tôi đã liên kết sản xuất, đầu ra được bao tiêu, không còn chuyện trông vào trời nữa”.
Trong quá trình phát triển, xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, Đơn Dương đã xây dựng từ giá trị cốt lõi, phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với xu thế và giữ được bản sắc của mình. Trong đó, ưu tiên chính là tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp, tích tụ ruộng đất... nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường sinh thái. Động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp chính là đổi mới chính sách, tiếp đến là đổi mới khoa học - công nghệ để tạo ra giá trị. Do đó, tiếp tục phát triển, cùng với đó là hạ tầng số, logistics, hệ thống thú y, bảo vệ thực vật đang là bước đi chiến lược mà huyện Đơn Dương đang hướng đến.
Huyện đang có một quỹ đạo để thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp và tăng thêm những giá trị cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu trong những năm tới. Nông nghiệp bây giờ sẽ tạo ra những giá trị gia tăng, chứ không phải là dừng lại ở gia tăng sản lượng. Trong đó, đưa vào ứng dụng công nghệ, công nghiệp 4.0 và chú trọng sơ chế, bảo quản, đóng bao bì và thương mại điện tử. Đồng thời, sẽ phân khúc thị trường để đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường mở trong những hiệp định đối tác mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, tạo ra một “cú hích” cho sản xuất nông nghiệp.
2 xã Tu Tra và Đạ Ròn của Đơn Dương được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trong tỉnh vào năm 2020 với tổng diện tích 10.639 ha. Hiện đạt 5 tiêu chí ứng dụng công nghệ cao về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị, đầu mối là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và giá trị kinh tế cao; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi công nghệ cao; sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường; vùng cũng đạt quy mô tối thiểu từ 10.000 con bò sữa trở lên.
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, Đơn Dương đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch và sản xuất nông sản. Huyện đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Khu du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat được nhắc tên trên bản đồ du lịch thế giới và các mô hình du lịch canh nông ấn tượng.
2 năm liền Đơn Dương đứng đầu về cải cách hành chính
VỮNG VÀNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU
Huyện Đơn Dương đã được chọn là một trong 4 huyện thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2019 - 2025. Đến nay, huyện đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Huyện ủy, trong đó chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp”.
Huyện đã giữ vững vị trí thứ nhất trong chỉ số cải cách hành chính toàn tỉnh năm 2022 và 2023. Đơn Dương đang tiếp tục triển khai các nền tảng công nghệ số quốc gia, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn và thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn. Huyện đang hướng tới một tương lai phát triển bền vững, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn trong tất cả các lĩnh vực khác, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dòng Đa Nhim xanh vẫn chảy, mang theo những ước mơ và khát vọng vươn xa của người dân nơi đây. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Đơn Dương đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn cho người dân nơi đây. Huyện Đơn Dương không chỉ là một mô hình thành công trong công tác giảm nghèo mà còn là điển hình của sự phát triển bền vững, nơi mà người dân không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn tới những ước mơ lớn hơn trong cuộc sống.
DIỄM THƯƠNG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/50-nam-xanh-ben-dong-da-nhim-74b26ae/