Buổi khám sàng lọc và tư vấn miễn phí bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia cho học sinh trường THPT Thạch Thất diễn ra với không khí phấn khởi và chuyên nghiệp. Từ năm 2016 tới nay, để phòng bệnh tan máu bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số, Chi cục Dân số Hà Nội đã dành nguồn kinh phí để triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt, tập trung vào các huyện miền núi, có nhiều đồng bảo dân tộc thiểu số sinh sống.
Ông Vũ Duy Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội, cho biết: "Như là Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Mỹ Đức là những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với những cháu có nghi ngờ sẽ được xét nghiệm chuyên sâu, sau đó tư vấn cụ thể để gia đình đưa đi điều trị cũng như có tư vấn trong việc kết hôn của các cháu".
Bệnh tan máu bẩm sinh là một bệnh di truyền - bẩm sinh, có đặc điểm là gây tan máu nhiều và thường xuyên dẫn đến thiếu máu mãn tính. Theo thống kê, nếu hai vợ chồng cùng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, mỗi lần sinh con có 25% khả năng con bị bệnh, 50% khả năng con mang gen bệnh. Hiện Việt Nam có hơn 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời.
Căn bệnh này không chỉ tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu mà còn tạo gánh nặng về chi phí xã hội. Ước tính chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Việc sàng lọc tan máu bẩm sinh cho học sinh ở lứa tuổi từ lớp 10 đến lớp 12 sẽ giúp cải thiện chất lượng dân số chung trong cộng đồng.
Em Nguyễn Thùy Dung, học sinh lớp 10A8 Trường THPT Thạch Thất, huyện Thạch Thất, chia sẻ đã được nhìn thấy nhiều ca bệnh tan máu bẩm sinh và rất thương các bạn; đồng thời em cũng nhận thấy bản thân mình may mắn vì được sàng lọc và xét nghiệm từ sớm.
Bác sĩ Ngô Mạnh Quân - Bệnh viện Medlatec, cho biết: "Khi học hết các năm phổ thông, các bạn được nhận một chứng chỉ tốt nghiệp, thêm một chứng chỉ nữa về sức khỏe của mình là đã được sàng lọc, tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh. Nếu các bạn không mang gen thì hoàn toàn yên tâm, hoặc nếu có mang gen thì cũng biết để chủ động đón sẵn sàng cho tương lai của mình, sẵn sàng tư vấn trước hôn nhân để thế hệ tiếp theo của mình sẽ như thế nào là tốt. Ở các nước phát triển, họ làm việc này từ rất lâu rồi. Làm sao tiến tới là với tuổi trẻ thì có được hôn nhân bền vững khi có biết được nhiều nhất thông tin về sức khỏe của mình".
Thùy Dương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/5000-hoc-sinh-thpt-ha-noi-duoc-sang-loc-thalassemia-285351.htm