Chính sách năng lượng đang trở thành tâm điểm của cuộc bầu cử liên bang Úc vào ngày 17/5/2025. Cuộc bầu cử này không chỉ là một phép thử chính trị mà còn là cuộc trưng cầu dân ý về hướng đi của ngành năng lượng nước này, đặc biệt xoay quanh việc sử dụng năng lượng hạt nhân.
Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, chi phí sinh hoạt leo thang và những thách thức về cơ sở hạ tầng, các nước trên giới, trong đó Việt Nam có thể rút ra 6 bài học quan trọng để định hướng chính sách năng lượng trong tương lai.
1. Xây dựng chiến lược năng lượng dài hạn
Tại Úc, Chính phủ Lao động đặt mục tiêu 82% năng lượng tái tạo vào năm 2051, trong khi phe đối lập đề xuất xây dựng 13 GW năng lượng hạt nhân để thay thế điện than. Điều này cho thấy sự phân vân trong việc lựa chọn lộ trình phù hợp.
Việt Nam cũng cần một chiến lược năng lượng dài hạn, linh hoạt, cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Việc phát triển năng lượng tái tạo phải đi đôi với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng và nguồn cung dự phòng để tránh rơi vào tình trạng gián đoạn như Úc.
2. Đảm bảo sự cân bằng giữa năng lượng tái tạo và dự phòng
Một trong những bài toán khó của Úc là sự thiếu hụt công suất khi đóng cửa các nhà máy điện than và khí đốt, dẫn đến việc phải nhập khẩu LNG để bù đắp cho năng lượng tái tạo không ổn định.
Việt Nam cũng đang đối diện với nhu cầu điện ngày càng tăng, tuy nhiên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung vẫn chưa hoàn thiện. Bài học quan trọng là phải xây dựng một hệ thống năng lượng cân bằng, trong đó các nguồn điện tái tạo đi kèm với năng lượng dự phòng như thủy điện, khí hóa lỏng và công nghệ lưu trữ.
3. Đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng năng lượng
Tắc nghẽn hạ tầng là một trở ngại lớn đối với sự phát triển năng lượng tái tạo tại Úc. Việt Nam, với tốc độ phát triển nhanh của điện mặt trời và điện gió, cũng đang gặp phải những khó khăn tương tự. Cần có chiến lược đồng bộ để nâng cấp lưới điện, đầu tư vào các hệ thống lưu trữ năng lượng như pin lithium-ion và thủy điện tích năng, nhằm đảm bảo sự ổn định và hiệu quả trong khai thác năng lượng tái tạo.
4. Dự báo và quản lý tăng trưởng nhu cầu điện
Tình trạng thiếu hụt điện tại Úc là lời cảnh báo đối với Việt Nam. Với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao, nhu cầu điện trong nước ngày càng tăng. Việt Nam cần có kế hoạch dự báo chính xác về mức tiêu thụ điện, đồng thời khuyến khích các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng điện.
Chính sách năng lượng linh hoạt cùng với ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định trong dài hạn.
5. Cơ chế giá năng lượng hợp lý
Việc giá năng lượng leo thang đã trở thành một vấn đề nan giải tại Úc, gây áp lực lớn lên người tiêu dùng. Việt Nam cần rút kinh nghiệm để xây dựng chính sách giá hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người dân, đồng thời vẫn tạo động lực cho đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Các cơ chế như trợ giá cho hộ nghèo và chính sách hỗ trợ cho các khu vực dễ bị tổn thương có thể giúp giảm tác động tiêu cực của biến động giá năng lượng.
6. Đầu tư và phát triển công nghệ năng lượng sạch
Úc đang đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ lưu trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi, xem đây là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Việt Nam cần có chiến lược tương tự, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ năng lượng sạch.
Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về thuế và tài chính, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển các giải pháp năng lượng bền vững.
Chính sách năng lượng của Úc trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng hiện nay mang lại nhiều bài học quan trọng cho Việt Nam.
Việc xác định chiến lược năng lượng dài hạn, cân bằng giữa năng lượng tái tạo và năng lượng dự phòng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và phát triển công nghệ năng lượng sạch sẽ là "chìa khóa" giúp Việt Nam giải quyết các thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Nh.H Tổng hợp (*)