DN xuất khẩu Việt Nam vượt khó trước chính sách thuế mới từ Mỹ

DN xuất khẩu Việt Nam vượt khó trước chính sách thuế mới từ Mỹ
một ngày trướcBài gốc
"Tối qua chúng tôi vẫn chốt đơn hàng bán mấy trăm tấn tiêu đi Mỹ. Chúng tôi vẫn nhận được đủ tiền và quan trọng là đến thời điểm này, khách mua hàng bên Mỹ của Phúc Sinh chưa hề có bất cứ phản hồi nào" - ông Phan Minh Thông nói.
Theo "ông lớn" xuất khẩu hạt tiêu, cà phê Phúc Sinh, chính sách thuế mới này bị ảnh hưởng trước hết là may mặc, gia dụng, đồ gỗ, thủy sản, năng lượng, thiết bị máy móc… Nhưng nước Mỹ không sản xuất được hạt tiêu và cũng không có nhiều tiêu để làm, cho nên họ muốn ăn thì sẽ phải chịu giá cao.
"Khách hàng của Phúc Sinh là người chịu thuế và họ chưa kêu nên chúng tôi chưa biết được họ bị ảnh hưởng hay không" - ông Thông nói và cho rằng, cuộc sống thì luôn phải đối mặt với khó khăn và chúng ta cần tìm cách xử lý, vượt qua khó khăn đó. Chúng ta không có nhiều sự lựa chọn, lo lắng cũng không giải quyết được gì.
"Thay vì lo lắng, hãy bằng mọi cách tìm đơn hàng, hãy tỏa đi khắp nơi tìm thị trường. Năm 2024, chúng tôi xuất khẩu tổng cộng khoảng 30.000 tấn tiêu đi 102 thị trường, trong đó không chỉ có Mỹ là thị trường lớn mà cả Brazil, châu Âu…" - ông Thông khẳng định.
“Vừa sáng nay thôi, chúng tôi đã chốt một đơn hàng xuất khẩu tiêu đi Canada và vẫn xuất khẩu vào Mỹ như bình thường. Phúc Sinh hiện đang là doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 vào Mỹ. Nếu không mua hạt tiêu của Việt Nam thì họ mua tiêu của nước nào?” – Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ với Dân Việt.
Dây chuyền sản xuất hạt tiêu của Công ty Cổ phần Phúc Sinh. Ảnh: T.L
Về việc đề xuất chính sách, ông Phan Minh Thông cho rằng, chủ trương cải cách, tinh gọn bộ máy của Chính phủ hiện nay là rất tốt, đem lại sự hy vọng cho một tương lai tươi sáng và động lực để phát triển. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải chủ động lên tiếng, đàm phán, không “ngồi im” để họ đánh thuế lên các mặt hàng thiết yếu, cũng như cách mà các chính quyền Mexico, Canada… đã đàm phán với Mỹ.
Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê số 1 Việt Nam hiện nay, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nói rằng mức thuế 46% là quá cao, vượt ngoài tầm dự đoán của giới doanh nghiệp.
Ông Nam cho biết, năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Intimex đạt 1,4 tỷ USD, doanh thu 75.000 tỷ đồng thì xuất khẩu sang Mỹ đạt 100 triệu USD, chủ yếu là cà phê.
“Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Intimex thì thấy không đáng ngại. Tuy nhiên nếu cứ áp mức thuế nói trên trong thời gian dài thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ khó gồng gánh nổi” – ông Nam nói.
Do đó, ông Nam cho rằng, chúng ta nên làm việc trực tiếp với Tổng thống Mỹ để tìm kiếm những giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan.
Song song đó, cần đa dạng hóa thị trường: Đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới ngoài Mỹ. Nâng cao năng lực cạnh tranh: Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và xây dựng thương hiệu để tăng sức cạnh tranh ngay cả khi có thuế cao.
Về phía Chính phủ, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bao gồm hỗ trợ tài chính, tìm kiếm thị trường mới, và nâng cao năng lực sản xuất. Tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký kết để bù đắp cho sự sụt giảm ở thị trường Mỹ.
*Tiêu đề đã được Vietnamdaily thay đổi
Theo Minh Huệ/Báo Dân Việt
Nguồn Vietnamdaily : https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/dn-xuat-khau-viet-nam-vuot-kho-truoc-chinh-sach-thue-moi-tu-my-243489.html