Những trường hợp xuất khẩu sang Mỹ không phải chịu thuế đối ứng

Những trường hợp xuất khẩu sang Mỹ không phải chịu thuế đối ứng
15 giờ trướcBài gốc
Vào ngày 2/4 theo giờ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các mức thuế đối ứng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với 46%. Ảnh: Trọng Tùng
Trước thông tin Mỹ áp mức thuế đối ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam ở mức 46% kể từ ngày 9/4 tới đây, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý, với trường hợp các đơn hàng được xếp lên tàu tại cảng Việt Nam trước ngày 9/4 sẽ không phải chịu mức thuế đối ứng rất cao này. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng hoàn tất việc xuất cảng các lô hàng trước thời hạn trên để tránh bị áp thuế nặng.
Liên quan đến các mặt hàng, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, không phải mặt hàng xuất khẩu nào cũng chịu mức thuế đối ứng của Mỹ. Cụ thể, Phụ lục II của Sắc lệnh Điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan có đi có lại đã quy định, một số hàng hóa phù hợp với luật pháp sẽ không phải chịu thuế quan qua lại.
Trong đó bao gồm các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232. Các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ; tất cả mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.
Ngoài ra Phụ lục II cũng liệt kê nhóm ngành hàng không phải chịu thuế đối ứng, đơn cử như nhựa và sản phẩm nhựa, hóa chất, gỗ và các mặt hàng bằng gỗ, đồng và sản phẩm đồng, thiếc, máy điện và thiết bị điện.
Đáng chú ý, các mặt hàng Việt Nam chứng minh được có nguồn gốc nguyên liệu hoặc yếu tố khác từ Mỹ trên 20% sẽ chỉ bị đánh thuế đối ứng lên phần giá trị không có nguồn gốc từ quốc gia này.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng khuyến nghị, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần nghiên cứu cụ thể chi tiết phụ lục và nội dung liên quan để nắm rõ thông tin.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, việc áp thuế đối ứng có thể gây khó khăn trong việc duy trì hợp đồng dài hạn và chuỗi cung ứng ổn định cho doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng tìm nhà cung ứng từ quốc gia khác có mức thuế đối ứng thấp hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ đối mặt với các thủ tục hành chính phức tạp và chi phí vận chuyển cao hơn do thuế suất tăng.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn về vấn đề duy trì sản xuất và xuất khẩu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động hay gặp thách thức khi tìm kiếm thị trường thay thế...
Trước tình trên, để chủ động tránh các “cú sốc” đối với nền kinh tế Việt Nam, trên cơ sở Thương vụ tham vấn các hiệp hội ngành hàng, văn phòng tư vấn luật, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), xem xét nâng cấp một số cơ chế phù hợp.
Việt Nam cũng cần tiếp tục cụ thể hóa việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ và phù hợp với nhu cầu; giải quyết các rào cản thương mại/phi quan thuế đối với doanh nghiệp Mỹ.
Các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI, hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước để tăng cường nắm bắt thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh; tuân thủ các quy định của Mỹ liên quan đến Đạo luật UFLPA về lao động, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, sẵn sàng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại...
Lê Hồng Nhung
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/nhung-truong-hop-xuat-khau-sang-my-khong-phai-chiu-thue-doi-ung-40044.html