Doanh nghiệp Việt cần tìm kiếm thị trường xuất khẩu để bù đắp việc thị trường Mỹ khó khăn. Ảnh: Như Ý
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4/4, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, lãnh đạo Bộ đã gửi công hàm tới Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) về việc hoãn áp thuế đối ứng, để 2 nước trao đổi thêm, tìm giải pháp hợp lý.
Thương vụ đã tham vấn ý kiến Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội Dệt may và giày dép Mỹ, Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giày dép, hàng may mặc tại Mỹ. Họ đều cam kết tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam và theo dõi động thái chính sách.
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ, xem xét nâng cấp một số cơ chế phù hợp. Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu sản phẩm thế mạnh từ Mỹ, truyền tải thông điệp tích cực, Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng cân bằng, hài hòa, cùng có lợi. Cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm, xử lý rào cản thương mại đối với doanh nghiệp Mỹ.
Thời gian qua, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam cũng nỗ lực để góp phần giảm thặng dư thương mại. Trong tháng 3 vừa qua, trong chuyến công tác cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sang Mỹ, doanh nghiệp Việt đã ký thỏa thuận thương mại nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) ký 2 bản ghi nhớ hợp tác số thỏa thuận mua bán dài hạn khí thiên nhiên hóa lỏng LNG với Tập đoàn Conoco Phillips và Tập đoàn Excelerate. Theo PVGas, thỏa thuận nhập khẩu LNG từ Mỹ góp phần thực hiện kế hoạch nhập khẩu 9 triệu tấn LNG vào năm 2030, tăng lên 15 triệu tấn/năm vào năm 2035. Tổng giá trị nhập khẩu LNG ước tính 7,2 tỷ USD/năm. Việc ký thỏa thuận, biên bản ghi nhớ minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng nguồn nhập khẩu từ Mỹ, hướng tới mục tiêu thương mại cân bằng, hài hòa.
Tận dụng các FTA
Ngày 4/4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài – Bộ Công Thương, nói rằng, mức thuế 46% mà Mỹ áp cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là đáng quan ngại trong bối cảnh Việt Nam kiên trì, ủng hộ nhất quán thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại đầu tư. Ông khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường.
“Với việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có số lượng FTA nhiều nhất khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp cần tận dụng các hiệp định. Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA mới với nhiều đối tác tiềm năng như: Khu vực Mỹ Latinh, Nam Á, Trung Đông, Đông Âu, trong đó có Brazil; xúc tiến các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập và một số đối tác khác”, ông Linh thông tin.
Dương Hưng
Đa dạng hóa thị trường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị, doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh Mỹ áp thuế hàng hóa. Theo ông Tân, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã nói từ lâu nhưng trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng, doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng được Bộ Công Thương tính tới, chỉ đạo thương vụ, cục, vụ liên quan triển khai rốt ráo. Các giải pháp về xúc tiến thương mại trong thời gian tới để đa dạng hóa thị trường bao gồm: làm mới các thị trường cũ (nhất là thị trường lớn: Trung Quốc, EU) để tăng lượng hàng hóa có giá trị gia tăng cao, giá trị thương hiệu cao. Tìm kiếm thị trường mới như: Nam Mỹ, Đông Âu cũ, Trung Đông, châu Phi... Đây là những thị trường có dân số rất lớn, cầu lượng hàng hóa lớn, chất lượng hàng hóa vừa phải, đáp ứng được năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
“Giải pháp khác rất cần thiết đó là sản phẩm Halal (đáp ứng tiêu chuẩn của người Hồi giáo). Sản phẩm Halal có thị trường giá trị hơn 2.000 tỷ USD trên toàn thế giới. Hiện Việt Nam chỉ chiếm 1% của sản phẩm này xuất khẩu. Thời gian tới, nếu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này sẽ là tiềm năng cho doanh nghiệp, bù đắp lại những khó khăn thách thức trước những quyết định áp dụng thuế quan của Mỹ”, ông Phú nói.
Đại diện Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường - Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ về định hướng và các chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal của Việt Nam. Những thông tin này mang tính định hướng chiến lược, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương của Nhà nước trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp Halal.
Ngọc Linh