1. Tác dụng của mướp với sức khỏe
Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, trong quả mướp tươi có chứa nhiều dưỡng chất cần thiết như protein, carbohydrate, chất xơ, saponin, flavonoid, lectin các vitamin C, B1, B2, B6, folate, vitamin A cùng một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kali, canxi, sắt, mangan, magie, kẽm…
Bên cạnh đó, loại quả này còn được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa, tiêu diệt các gốc tự do, bảo vệ tế bào da, thần kinh, mạch máu nhờ hàm lượng flavonoid và vitamin C cao.
Ngoài ra, chúng còn có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, tăng nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón, hỗ trợ điều hòa đường huyết, giảm men gan, cải thiện chức năng gan. Các nhà khoa học còn đang nghiên cứu các dẫn xuất cucurbitacin từ hạt mướp với tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Nhiều thành phần của cây mướp được sử dụng để mang lại những lợi ích sức khỏe khác nhau.
Trong Đông y, nhiều thành phần của cây mướp được sử dụng làm các vị thuốc với nhiều tác dụng phòng và điều trị bệnh:
- Phần thịt quả: Được gọi với tên Ty qua nhục, có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, trừ đàm, lương huyết, giải độc.
- Lá mướp: Còn biết đến với tên Ty qua diệp, có vị ngọt, chua, tính lạnh, có tác dụng trừ đàm, giải độc, cầm máu, rất hiệu quả trong điều trị các cơn ho cấp và mãn tính, ho có đờm. Lá mướp còn có thể đắp ngoài da giúp trị mụn, làm dịu vết bỏng, giảm viêm, ngứa do mụn, côn trùng cắn.
- Thân leo của cây mướp: Bộ phận này được Đông y gọi với tên Ty qua đằng, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết thông lạc, thanh nhiệt giải độc, giảm viêm.
- Rễ mướp: Có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, nhuận tràng.
- Xơ mướp: Là vị thuốc xuất hiện nhiều trong các bài thuốc Đông y với tên gọi Ty qua lạc, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thông kinh hoạt lạc, lợi sữa, giảm đau trong thấp khớp, tiêu phù thũng, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị tắc tia sữa.
- Hạt mướp: Có tác dụng nhuận táo, sát khuẩn, tiêu đờm, mạnh gân xương và thanh nhiệt, thường được sử dụng trong điều trị các chứng ho nhiệt có đờm, giun sán, chân tay tê mỏi, phù thũng.
2. Một số cách dùng mướp tốt cho sức khỏe
2.1 Xơ mướp nấu nước
Cách thực hiện: 10–15g xơ mướp khô rửa sạch, đun với nước.
Tác dụng: Nước sắc xơ mướp có tác dụng thông kinh hoạt lạc, lợi tiểu tiêu phù, giải nhiệt, rất tốt cho những người mắc thấp khớp, phù chân tay, tắc tia sữa.
Xơ mướp nấu nước uống có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, giải nhiệt.
2.2 Mướp xào gan lợn
Cách thực hiện: Quả mướp non gọt vỏ, cắt miếng xào cùng gan lợn, thêm gia vị cho vừa ăn.
Tác dụng: Mướp xào gan lợn là món ăn bổ dưỡng giúp dưỡng huyết bổ can, làm sáng mắt, rất phù hợp với những người thiếu máu, hay hoa mắt, mỏi mắt.
2.3 Nước sắc mướp, táo đỏ
Cách thực hiện: Mướp tươi bỏ vỏ, thái miếng, táo đỏ bỏ hạt, thêm nước sắc.
Tác dụng: Mướp có tác dụng sơ thông kinh lạc, táo đỏ có tác dụng bổ khí dưỡng huyết. Nước sắc mướp cùng táo đỏ có tác dụng thanh nhiệt, bổ huyết dưỡng nhan, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
2.4 Nước ép quả mướp và lê
Cách thực hiện: Mướp sống rửa sạch, quả lê gọt vỏ, cùng ép lấy nước, cho thêm một chút mật ong.
Tác dụng: Lê là loại quả giúp bổ âm, nhuận táo, phối hợp cùng mướp rất tốt trong những trường hợp ho, ho khan, họng sưng đau.
2.5 Nước sắc hoa mướp, cam thảo
Cách thực hiện: Hoa mướp tươi sắc cùng cam thảo lấy nước uống ngày 1 lần.
Tác dụng: Đây là bài thuốc tự nhiên giúp thanh nhiệt, tiêu đàm, chỉ khái, rất thích hợp hỗ trợ điều trị ho có đàm.
2.6 Rễ mướp hầm gà
Cách thực hiện: Rễ mướp rửa sạch hầm chung với thịt gà.
Tác dụng: Rễ mướp hầm chung với thịt gà có tác dụng tư dưỡng thận dương, làm mạnh lưng gối, thông kinh mạch, rất thích hợp với những người thận hư gây đau lưng, mỏi gối.
Mướp có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng do có tính mát, người tỳ vị hư hàn, hay tiêu chảy, lạnh bụng nên dùng chung với các gia vị ấm như gừng, tỏi. Người suy nhược, người bệnh thận, huyết áp thấp không nên ăn quá nhiều mướp.
BS. Nguyễn Huy Hoàng