Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh lý mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp, họ vẫn có thể sống khỏe mạnh như người bình thường. Một chế độ dinh dưỡng khoa học không chỉ giúp ổn định đường huyết, mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, suy thận, mù lòa…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, không tồn tại một nguyên tắc ăn uống tuyệt đối phù hợp với tất cả bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn cần được xây dựng theo thể trạng, chỉ số đường huyết, mức độ bệnh và cả sở thích cá nhân. Tuy nhiên, mục tiêu cốt lõi vẫn là ổn định đường huyết và duy trì sức khỏe tổng thể.
Thường xuyên thăm, khám sức khỏe định, kỳ kết hợp chế độ ăn uống và vận động hợp lý để có một sức khỏe tốt. (Ảnh minh họa)
Người bệnh cần ăn uống đúng giờ, chia nhỏ bữa (3 bữa chính, 1 bữa phụ), bổ sung nước đầy đủ (40ml/kg thể trọng/ngày), và không nên kiêng tuyệt đối bất kỳ một nhóm thực phẩm nào. Quan trọng là phải ăn đủ lượng, đủ chất, không quá no, không quá đói.
Chế độ ăn cho người tiểu đường được khuyến nghị theo hình tháp dinh dưỡng gồm 4 nhóm thực phẩm chính:
Nhóm tinh bột và ngũ cốc: ưu tiên gạo lứt, khoai lang, hạn chế bánh mì trắng, khoai tây. Dù là người tiểu đường, vẫn cần tinh bột để có năng lượng, điều quan trọng là lựa chọn loại có chỉ số đường huyết thấp.
Nhóm rau củ quả: rau xanh, bí xanh, tảo biển… rất giàu chất xơ và vitamin. Trung bình người bệnh cần tiêu thụ ít nhất 14g chất xơ/1.000 kcal mỗi ngày. Nhóm này giúp làm chậm hấp thu đường, cải thiện tiêu hóa.
Nhóm đạm và vitamin: thịt nạc, cá, trứng, sữa đậu nành không đường, đậu hũ là nguồn cung cấp đạm lành mạnh. Nên tránh da động vật và mỡ động vật nếu bị béo phì. Nhóm chất béo tốt: Ưu tiên dầu thực vật như dầu ô liu, dầu đậu nành. Tránh ăn nhiều nội tạng động vật, đồ hộp và các loại dầu chiên đi chiên lại nhiều lần.
Tháp dinh dưỡng dành cho người bệnh tiểu đường. (Ảnh: vinmec.com)
Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường nên hạn chế thực phẩm có hàm lượng glucid cao (trên 20 %) như bánh kẹo, nước ngọt, trái cây sấy khô. Nên ăn nhạt (dưới 2.300mg muối/ngày) và tránh hoàn toàn rượu bia, đặc biệt khi bụng đói, vì có thể gây tụt đường huyết đột ngột.
Ngoài ra, chế độ vận động thể thao cũng là một phần không thể thiếu. Tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc đạp xe 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cải thiện độ nhạy insulin và giảm cân hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy, dinh dưỡng đóng vai trò nền tảng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Việc ăn uống đúng cách không chỉ giúp ổn định đường huyết mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Một chế độ ăn đúng đắn, kết hợp vận động hợp lý và thăm khám định kỳ chính là “chìa khóa” giúp kiểm soát và sống khỏe cùng bệnh tiểu đường.
BS Dương Thị Tú