Theo Đông y, chanh có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng sinh tân chỉ khát trừ thấp an thai. Nước chanh, ngoài tác dụng dinh dưỡng, giải khát giải nhiệt còn có tác dụng an thai, kích thích tiết men tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột; giúp xúc tiến các quá trình hấp thu, phòng và loại bỏ các sắc tố dưới da, phòng ngừa cặn lắng tạo sỏi hệ tiết niệu...
Tuy nhiên, khi dùng nước chanh cũng có thể gây ra một số hệ lụy người dùng nên biết.
Dưới đây là những hệ lụy khi dùng nước chanh và cách khắc phục
1. Nước chanh có thể gây mòn men răng
Giống như tất cả các loại trái cây họ cam quýt, nước chanh có tính axit cao. Thường xuyên uống nước chanh không chỉ có thể làm mòn men răng theo thời gian mà còn có thể dẫn đến tình trạng răng ê buốt và nguy cơ sâu răng cao hơn.
Cách khắc phục: Để tránh nguy cơ này, bạn nên uống nước chanh bằng ống hút và súc miệng bằng nước lọc sau đó. Hơn nữa, tránh đánh răng ngay sau khi uống nước chanh, vì men răng sẽ bị mềm tạm thời và dễ bị mài mòn hơn.
Để tránh mòn men răng nên sử dụng ống hút khi uống nước chanh.
2. Gây trào ngược axit và ợ nóng
Mặc dù tính axit trong nước chanh có thể có lợi cho tiêu hóa và giúp ích cho một số vấn đề về dạ dày, nhưng nó cũng có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới, khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản, có thể dẫn đến ợ nóng và trào ngược axit.
Cách khắc phục: Những người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc có tiền sử ợ nóng nên thận trọng khi sử dụng nước chanh. Nếu cảm thấy nóng rát ở ngực hoặc cổ họng sau khi uống nước chanh thì nên giảm hoặc ngừng uống và tham khảo ý kiến chuyên gia để có giải pháp phù hợp hơn.
3. Khó tiêu
Nước chanh rất tốt cho tiêu hóa, giúp kích thích sản xuất axit dạ dày và mật, những chất rất quan trọng để phân hủy thức ăn hiệu quả. Ngoài ra, axit citric trong chanh có thể giúp cân bằng độ pH của dạ dày, có khả năng làm giảm đầy hơi và khó tiêu.
Tuy nhiên, tính axit của chanh có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày ở một số người, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, đầy hơi hoặc khó tiêu.
Cách khắc phục: Để giảm cảm giác khó chịu sau khi uống nước chanh, hãy cân nhắc pha loãng hơn hoặc uống nước chanh cùng với thức ăn để làm giảm tác dụng axit của thức uống này.
4. Gây ra các vấn đề về da
Vitamin C và chất chống oxy hóa trong nước chanh giúp bảo vệ da khỏi tổn thương, thúc đẩy sản xuất collagen và có khả năng làm giảm sự xuất hiện của các vết thâm, nếp nhăn.
Tuy nhiên, việc thoa trực tiếp nước chanh lên da có thể gây kích ứng, mẩn đỏ hoặc bong tróc ở một số người, đặc biệt là khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tình trạng này, được gọi là viêm da do ánh sáng thực vật (phytophotodermatitis), có thể dẫn đến các đốm đen hoặc mụn nước.
Cách khắc phục: Nếu sử dụng nước chanh trên da, hãy tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất hai giờ sau đó.
5. Phản ứng dị ứng
Một số người có thể bị dị ứng với các loại trái cây họ cam quýt, bao gồm cả chanh. Các triệu chứng của loại dị ứng này có thể dao động từ các phản ứng nhẹ như phát ban da đến các phản ứng phản vệ nghiêm trọng.
Cách khắc phục: Nếu bạn nhận thấy các phản ứng bất thường sau khi uống nước chanh, điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe ngay lập tức.
6. Tương tác thuốc
Nước chanh có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là những loại thuốc được chuyển hóa ở gan. Các hợp chất trong chanh có thể ảnh hưởng đến cách các loại thuốc này được xử lý, điều này có thể dẫn đến tăng tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả.
Cách khắc phục: Nếu bạn đang dùng thuốc theo toa thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm nước chanh vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Mời bạn xem tiếp video:
Những lợi ích bất ngờ của quả chanh với sức khỏe | SKĐS #shorts