Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa do thiếu hụt insulin nội sinh (type 1) hoặc chức năng insulin bị khiếm khuyết (type 2), gây tăng đường huyết. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có vết loét tiểu đường.
Vết loét tiểu đường là vết thương hở, lâu lành trên da người bệnh tiểu đường. Chúng thường xuất hiện ở bàn chân, cẳng chân hoặc những vùng khác như bàn tay, nếp gấp da bụng.
Vết loét ở người bệnh tiểu đường nếu không được điều trị đúng cách có thể làm tăng nguy cơ hoại tử, viêm tủy xương, thậm chí là cắt cụt chi.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây vết lét ở người bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường gây tổn thương thần kinh
Lượng đường trong máu cao kéo dài sẽ làm hỏng dây thần kinh, đặc biệt là ở chân. Người bệnh mất cảm giác đau, nóng, lạnh, mất cảm giác. Các vết thương nhỏ vì không được phát hiện kịp thời nên dễ loét và nhiễm trùng.
Lưu thông máu kém
Đường huyết cao làm hẹp và cứng các mạch máu, giảm lưu lượng máu tới nuôi dưỡng mô. Khi mô bị thiếu máu, khả năng lành vết thương kém, dẫn tới loét lâu lành hoặc hoại tử.
Nhiễm trùng
Đường huyết cao làm suy yếu hệ miễn dịch dẫn tới cơ thể khó chống lại vi khuẩn. Vết thương ở chân nếu không được chăm sóc sạch sẽ dễ bị vi khuẩn gây viêm loét, mưng mủ.
Chấn thương lặp đi lặp lại
Đi giày chật, không phù hợp, hoặc đi chân trần làm tăng nguy cơ trầy xước, cọ xát vào các vết thương. Nếu không được xử lý đúng cách dễ trở thành vết loét.
Kiểm soát đường huyết kém
Đường huyết không ổn định khiến các tổn thương vi mạch và thần kinh tiến triển nhanh, làm tăng nguy cơ loét chân.
Chăm sóc bàn chân không đúng cách
Không kiểm tra chân thường xuyên, không vệ sinh sạch sẽ hoặc tự ý xử lý vết thương tại nhà sai cách đều có thể làm tình trạng loét nghiêm trọng hơn.
Phòng ngừa vết loét do biến chứng bệnh tiểu đường
Ảnh minh họa
Kiểm soát đường huyết
Đường huyết cao là nguyên nhân gây tổn thương thần kinh và các mạch máu, dẫn đến loét. Người bệnh tiểu đường nên kiểm soát đường huyết tốt theo hướng dẫn của bác sĩ, có chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, uống thuốc…
Vệ sinh chân đúng cách
Nên tự kiểm tra hoặc nhờ người thân kiểm tra bàn chân hàng ngày, vệ sinh chân và lau khô, nhất là ở các kẽ ngón.
Chọn giày phù hợp
Giày chật có thể cọ xát da chân gây bóng nước, dễ nhiễm trùng ở bàn chân người bị tiểu đường. Nên chọn giày vừa vặn, êm và không nên mang dép xỏ ngón, giày cao gót…
Bỏ thuốc lá
Người bệnh tiểu đường nên nói không với thuốc lá, bởi thói quen này có thể gây tổn thương mạch máu, giảm lưu thông máu, chậm lành vết thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tập thể dục
Tập thể dục đều đặn để cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường đề kháng.
M.H (th)