Theo khảo sát, 2/3 Gen Z thiếu các kỹ năng nấu ăn cơ bản. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.
Ứng dụng hẹn hò FindingTheOne đã khảo sát 1.500 người thuộc nhiều nhóm tuổi về kỹ năng nấu nướng. Kết quả cho thấy những người trẻ trong độ tuổi 18-28 có xu hướng ăn ngoài hoặc gọi đồ ăn sẵn do "không biết nấu ăn", Daily Mail đưa tin.
Gen Z và nỗi ám ảnh mang tên 'bếp núc'
Gần 64% Gen Z (sinh năm 1997-2012) thừa nhận họ ưu tiên ăn ngoài vì không tự tin vào khả năng nấu ăn của mình. Ngay cả những món đơn giản cũng không dễ thực hiện với Gen Z. Cụ thể, 42% chia sẻ họ không biết làm món xào, trong khi 27% gặp khó khăn khi nấu súp.
Đáng chú ý, 61% Gen Z cho biết họ không biết rán trứng ốp la - một trong những món ăn đơn giản nhất. Trong khi đó, hơn 80% thừa nhận không biết bắt đầu từ đâu khi chế biến những món phức tạp như lasagna (mì nướng kiểu Italy) hay gà quay.
Chính vì vậy, không ít Gen Z tìm đến giải pháp tiện lợi hơn, với khoảng 25% người từng mua đồ ăn sẵn từ nhà hàng hoặc quán ăn nhưng lại nói rằng đó là món do họ tự nấu.
Nhiều người thuộc Gen Z cho biết áp lực từ việc nấu nướng là một trong những lý do chính khiến họ lựa chọn ăn ngoài. Ảnh: Daria Obymaha/Pexels.
“Tôi cảm thấy thế hệ của mình không có nhiều cơ hội vào bếp như những thế hệ trước. Với sự tiện lợi của ứng dụng giao hàng và các bữa ăn sẵn, việc nấu nướng không còn là nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, trong một số tình huống, đặc biệt là khi hẹn hò, điều này có thể khiến tôi cảm thấy lúng túng. Tôi hiếm khi mời ai đó đến nhà ăn tối, trừ khi có người hỗ trợ việc nấu ăn", Mia (23 tuổi) chia sẻ.
Những người thuộc Gen X (sinh năm 1965-1980) là nhóm tự tin nhất trong việc nấu nướng, với 85% cho biết họ cảm thấy thoải mái trong bếp và 72% thừa nhận đã học kỹ năng này từ cha mẹ.
Thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) cũng có kỹ năng nấu nướng tốt hơn Gen Z, với 68% cho biết họ tự tin khi nấu ăn tại nhà.
Việc thiếu kỹ năng bếp núc tác động đáng kể đến đời sống tình cảm của nhiều người trẻ, khi 21% thừa nhận đã nhờ bố mẹ chuẩn bị bữa ăn cho buổi hẹn hò nhưng lại nói dối rằng đó là do họ tự nấu.
Thực tế, chỉ 17% người thuộc Gen Z cho biết họ thích tự chuẩn bị bữa ăn tối khi hẹn hò. Ngược lại, Gen X và Millennials lại coi nấu ăn tại nhà là một cách thể hiện sự quan tâm và đầu tư vào mối quan hệ.
“Với Gen Z, nhà bếp dường như là một không gian xa lạ. Họ ưu tiên hẹn hò tại nhà hàng không chỉ vì tiện lợi hay sang trọng, mà còn để tránh áp lực và sự lúng túng khi phải tự tay nấu nướng cho người khác", Sylvia Linzalone, chuyên gia hẹn hò của FindingTheOne, nhận định.
Thế hệ loay hoay với kỹ năng sống cơ bản
Không chỉ kỹ năng nấu nướng, Gen Z còn gặp nhiều rào cản khác trong cuộc sống tự lập.
Một khảo sát của Halfords trên 2.000 người trưởng thành cho thấy những người trong độ tuổi 18-27 có xu hướng thuê dịch vụ cho các công việc gia đình đơn giản như thay bóng đèn hay rửa xe.
Gần 1/4 Gen Z và Millennials thừa nhận không biết thay bóng đèn trần, trong đó 20% cho rằng việc leo thang là quá nguy hiểm. Các con số khác từ khảo sát cũng chỉ ra rằng 21% Gen Z không nhận diện được cờ-lê và 10% trong số họ sẽ thuê người để treo tranh.
Thế hệ Gen Z gặp khó khăn với những kỹ năng sống cơ bản, từ thay bóng đèn đến sửa quần áo, trong khi áp lực tài chính và căng thẳng công việc càng làm tăng thêm gánh nặng. Ảnh: cottonbro studio/Pexels.
Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường YouGov cũng cho thấy nhiều người thuộc Gen Z gặp khó khăn trong việc may vá, đơn giản như xỏ chỉ vào kim. Cụ thể, 32% cho biết họ không biết bắt đầu từ đâu nếu cần vá một lỗ thủng hay khâu lại cúc áo.
Trong khi đó, những kỹ năng này lại phổ biến hơn ở thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964), với 88% người trên 65 tuổi cho biết họ có thể may vá thành thạo.
Không chỉ kỹ năng may vá bị lãng quên, 1/10 người thuộc Gen Z còn thừa nhận họ chỉ thay ga trải giường 3 tháng một lần.
Bên cạnh sự hạn chế về kỹ năng sống, Gen Z còn đối mặt với áp lực tinh thần lớn. Theo khảo sát của tổ chức từ thiện Mental Health UK, đây là nhóm có tỷ lệ nghỉ làm vì căng thẳng cao nhất, với 1/3 người lao động thuộc thế hệ này đã xin nghỉ trong năm qua.
Áp lực đối với người trẻ chủ yếu đến từ việc phải làm thêm giờ mà không được trả lương hoặc tăng ca để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Trong khi đó, ở nhóm lao động từ 45 tuổi trở lên, chỉ 1/10 cho biết họ từng nghỉ làm vì căng thẳng.
Những thay đổi trong cách sống và làm việc của Gen Z cũng ảnh hưởng đến cả môi trường tuyển dụng.
Kết quả khảo sát của Intelligent, tạp chí trực tuyến chuyên về đời sống sinh viên, với 800 nhà tuyển dụng cho thấy 19% từng chứng kiến ứng viên mới tốt nghiệp đưa bố mẹ đến buổi phỏng vấn. Điều này phản ánh mức độ phụ thuộc vào gia đình của một bộ phận người trẻ.
Tương tự, các nhà phân tích từ công ty tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey cho biết Gen Z cũng đang trì hoãn việc học lái xe, khi các dịch vụ gọi xe công nghệ và phương tiện công cộng ngày càng phổ biến.
Tường Uyên