Khoảng 1 đến 2 tuần trước Tết, bà Thái Thị Nhàn (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) đã bắt đầu vào guồng chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết. Mỗi món ăn từ ngọt đến mặn, tất cả đều được bà tính toán kỹ lưỡng. Với tâm lý "no ba ngày Tết", bà không ngừng đi chợ, tích trữ thực phẩm, đảm bảo gia đình sẽ có một cái Tết no đủ và trọn vẹn.
Tủ lạnh nhà bà Nhàn lúc nào cũng trong tình trạng ngập đầy. Những món ăn đã chế biến sẵn như bánh chưng, thịt đông, canh măng, cùng các thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt cá đều được bà bảo quản cẩn thận, sắp xếp đâu vào đó. Dù món ăn mỗi ngày đã được bà tính toán kỹ càng nhưng tủ lạnh cũng không vơi được là bao.
Bà Nhàn chia sẻ: "Ông bà ta có câu: 'đói cả năm, no ba ngày Tết' và trong ba ngày này thì đều phải cúng ông bà tổ tiên, mình cũng đã tính toán cho mỗi ngày một món. Bây giờ đồ ăn hàng ngày đã có nhiều nhưng tâm lý mình luôn sợ các con, các cháu về không có gì ăn nên cứ mua đồ ăn thật nhiều".
Tâm lý của bà Nhàn cũng là tâm lý chung của các bà nội trợ trong những ngày cận Tết. Mọi người đều muốn đảm bảo gia đình mình sẽ có mâm cơm đầy đủ, những món ăn ngon lành dâng lên tổ tiên. Vì vậy, công cuộc mua sắm và tích trữ thực phẩm dường như không bao giờ có điểm dừng.
Và khi những ngày Tết đã qua, tủ lạnh nhà bà Nhàn và của rất nhiều gia đình khác vẫn còn đầy ắp thức ăn dư thừa. Dẫu biết là không thể bỏ qua sự chuẩn bị, nhưng sau khi mọi người đã quây quần xong, thức ăn dư lại trở thành nỗi ám ảnh, khiến ai cũng phải đau đầu nghĩ cách chế biến sao cho kịp. Cái Tết no đủ đôi khi cũng đi kèm với một cuộc chiến với những món ăn thừa kéo dài sau đó.
"Giải cứu" đồ ăn ngày Tết
Dư âm của Tết không chỉ là niềm vui sum vầy, mà còn là… những chiếc tủ lạnh chật kín đồ ăn. Không ít gia đình rơi vào cảnh “ngán đến tận cổ” vì thức ăn thừa sau kỳ nghỉ lễ.
Gia đình chị Lê Linh Phương (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cũng vậy. Dù đã cố gắng mua sắm tiết kiệm và chỉ chọn những món thực phẩm thật sự cần thiết, nhưng tình trạng dư thừa đồ ăn trong tủ lạnh sau Tết vẫn không giảm. Điều này khiến chị phải đau đầu tìm cách sử dụng hết những món ăn còn lại trước khi chúng hư hỏng.
Chị Phương cho biết: "Cũng giống như rất nhiều gia đình khác có tâm lý chung là nếu trong năm mới tủ lạnh mình đầy đủ đồ ăn thì sẽ có cả một năm sung túc, no ấm, bởi vậy, dù tôi đã cố làm sao để mua những thực phẩm cần thiết thôi. Nhưng những ngày Tết thường đi thăm hỏi các gia đình họ hàng nên không ăn ở nhà nhiều và nó dẫn đến hậu quả là thừa rất nhiều thức ăn".
Bỏ đi thì tiếc, mà ăn hoài thì ngán nên chị Linh Phương đã áp dụng cách "tái chế" cỗ Tết thành những món mới để giải ngấy của người Hà Nội xưa, đó chính là bún thang. Món ăn này không chỉ giúp “giải phóng” tủ lạnh mà còn mang đến hương vị mới lạ, dễ ăn, khiến cả nhà thích thú.
Không chỉ gia đình chị Linh Phương mà rất nhiều gia đình khác cũng đang loay hoay với lượng thực phẩm tồn đọng sau Tết. Từ những mâm cỗ linh đình đến đồ ăn dự trữ, nhiều người dần nhận ra rằng mua sắm hợp lý, vừa đủ dùng là cách tốt nhất để tránh lãng phí.
Một số người đã rút kinh nghiệm, chọn cách mua ít hơn, dùng đến đâu mua đến đó, bởi giờ đây, chợ và siêu thị mở cửa khá sớm sau Tết. Đây cũng là một xu hướng tiêu dùng thông minh, giúp hạn chế lãng phí thực phẩm và giảm bớt nỗi ám ảnh mang tên “đồ ăn thừa”.
Nỗi lo tăng cân
Tết đến, ai cũng vui vẻ tận hưởng những bữa tiệc sum vầy với bánh chưng, thịt mỡ, rượu bia… Nhưng sau những ngày ăn uống thả ga, nỗi lo lắng mang tên "tăng cân vùn vụt" lại tạo áp lực cho không ít người.
Việc ăn uống không kiểm soát, ít vận động khiến cơ thể tích tụ năng lượng dư thừa, dẫn đến cân nặng tăng chóng mặt. Đặc biệt, mỡ bụng - kẻ thù số một của hội chị em, đã trở thành nỗi lo thường trực trong những ngày đầu năm mới.
Chị Trần Lan Anh (phường Cống Vị, quận Ba Đình) chia sẻ: "Ngay sau Tết mình cũng khá là lo lắng về cân nặng của mình nên khi phòng tập mở cửa mình đã phải quay trở lại ngay lập tức. Với sự động viên và hỗ trợ của các huấn luyện viên thì mình mong rằng sẽ lấy lại vóc dáng nhanh nhất có thể" .
Không chỉ phụ nữ, cánh mày râu cũng không tránh khỏi nỗi ám ảnh này. Những ngày Tết, phòng gym đóng cửa, lịch sinh hoạt đảo lộn, ăn nhiều, ngủ nhiều khiến họ không khỏi lo lắng khi nhìn xuống vòng bụng.
Anh Hà Giang Sơn (phường Cống Vị, quận Ba Đình), một người thường xuyên duy trì thói quen tập luyện thể thao, chia sẻ về nỗi lo tăng cân: "Phòng tập không mở trong Tết nên mình không thể đi tập được và mình cũng ngủ rất nhiều nên mình rất sợ mình bị tăng cân".
Ngay sau kỳ nghỉ lễ, phòng tập thể hình, yoga, các câu lạc bộ thể thao trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Theo ghi nhận, lượng người đăng ký tập luyện tăng tới 50% so với trước Tết. Ai cũng mong muốn lấy lại vóc dáng nhanh nhất có thể.
Tết đã qua, nhưng nỗi lo tăng cân vẫn còn đó. Tuy nhiên, thay vì vội vàng ép bản thân vào những chế độ ăn kiêng hà khắc hay tập luyện quá sức, hãy tìm cách bắt nhịp lại từ từ, điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động khoa học. Cân nặng sẽ dần về lại mức ổn định, giúp bạn vừa khỏe đẹp, vừa không bị áp lực trong những ngày đầu năm mới.
Mai Phương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/sau-tet-tu-lanh-van-khoc-302627.htm