Yến mạch rất tốt cho sức khỏe tim mạch nhờ hàm lượng chất xơ hòa tan cao, đặc biệt là beta-glucan. Chất xơ này liên kết cholesterol trong hệ tiêu hóa và ngăn không cho cholesterol hấp thụ vào máu.
Sử dụng yến mạch trong bữa sáng, bạn có thể thêm quả mọng tươi hoặc rắc một ít quế để tăng hương vị và chất chống oxy hóa. Nếu buổi sáng vội vã, bạn có thể chuẩn bị yến mạch vào đêm hôm trước để tiện mang theo.
2. Đi bộ giúp cải thiện lưu lượng máu, giảm cholesterol
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe tim mạch và mỗi người không nhất thiết phải tập luyện cường độ cao. Chỉ cần thực hiện đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, năm ngày một tuần có thể làm tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm LDL (cholesterol xấu) từ 5-10%.
Bên cạnh đó, đi bộ còn giúp cải thiện lưu lượng máu và giúp cơ thể loại bỏ lượng cholesterol dư thừa. Nếu bạn là người bận rộn, có ít thời gian để để tập luyện thì có thể chia 30 phút thành hai buổi tập, mỗi buổi 15 phút sau bữa ăn.
Đi bộ là biện pháp đơn giản có thể thực hiện hàng ngày để giảm cholesterol.
3. Hạn chế chất béo chuyển hóa
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo không bão hòa thường có trong thực phẩm. Mặc dù những chất béo này làm tăng thời hạn sử dụng của sản phẩm, nhưng chúng lại gây hại cho sức khỏe.
Chất béo chuyển hóa làm tăng lipoprotein mật độ thấp và tổng lượng cholesterol trong khi làm giảm HDL có lợi. Để kiểm soát cholesterol, hãy tránh các loại thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa như bơ thực vật, bánh ngọt, đồ nướng, đồ ăn nhanh chiên, một số loại pizza và kem cà phê không phải từ sữa...
4. Ăn nhiều loại hạt
Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, đậu phộng và các loại hạt khác rất tốt cho tim. Ăn khoảng 60g hạt mỗi ngày có thể làm giảm nhẹ LDL và giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.
5. Sử dụng dầu ô liu
Chất béo bão hòa, như chất béo trong bơ hoặc bơ thực vật, có thể làm tăng cholesterol LDL và nguy cơ bệnh tim mạch vành. Do đó, để hạn chế, bạn có thể thay thế những chất béo này bằng dầu ô liu nguyên chất, giàu chất béo không bão hòa đơn có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Dầu ô liu có thể làm giảm LDL trong khi vẫn duy trì hoặc thậm chí tăng cường cholesterol HDL (cholesterol tốt). Dầu ô liu có thể được sử dụng để xào rau, rưới lên salad hoặc làm nước chấm cho bánh mì nguyên cám. Tuy nhiên, hãy chú ý đến lượng dầu ô liu được sử dụng, vì đây là loại dầu rất giàu calo.
6. Uống trà xanh
Catechin là chất chống oxy hóa mạnh có trong trà xanh, giúp làm giảm cholesterol LDL và ngăn ngừa quá trình oxy hóa, một quá trình liên quan đến tổn thương động mạch. Uống 2-3 tách trà xanh không đường mỗi ngày có thể làm giảm LDL khoảng 2-5%.
7. Tránh hút thuốc
Hút thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim vì nó làm tăng LDL (cholesterol xấu) và làm giảm HDL (cholesterol tốt). Hút thuốc cũng làm tăng sự tích tụ cholesterol trong động mạch và ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, hấp thụ cholesterol. Chính vì vậy, bỏ thuốc lá là cách tốt nhất để giảm cholesterol một cách tự nhiên.
Mời bạn xem tiếp video:
Những món ăn nhẹ tốt cho người cholesterol cao - Phần 1 | SKĐS #shorts