Bù đắp bằng vật chất: Khi con mè nheo, khóc lóc đòi mua một món đồ chơi giữa siêu thị, để nhanh chóng dẹp yên, bạn đành nhượng bộ và mua cho con. Trong cuộc sống bận rộn, nhiều bố mẹ dễ nhầm lẫn giữa việc trao tặng vật chất và thể hiện tình yêu, sự quan tâm. Tuy nhiên, đây là một sai lầm tai hại. Việc liên tục đáp ứng những đòi hỏi vật chất của con sẽ vô tình dạy chúng rằng của cải vật chất đồng nghĩa với tình yêu thương và hạnh phúc. Điều này lâu dần sẽ hình thành ở trẻ cảm giác được hưởng đặc quyền, cho rằng mình xứng đáng có mọi thứ mà không cần phải cố gắng.
Bao bọc con quá mức, né tránh mọi khó khăn nhỏ nhặt: Trong sự thôi thúc muốn bảo vệ con khỏi những tổn thương, đôi khi, cha mẹ vô tình can thiệp quá sâu. Họ vội vã giải quyết mọi rắc rối, đương đầu với mọi thử thách thay con và cố gắng loại bỏ mọi khó khăn dù là nhỏ nhất. Chính điều này lại tước đi cơ hội để con rèn luyện sự kiên cường và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Vô tình, điều này khiến trẻ hình thành tâm lý ỷ lại, cho rằng người khác sẽ luôn giải quyết mọi vấn đề thay mình.
Thiếu quy tắc và hậu quả rõ ràng: Nhiều bậc cha mẹ lại ngần ngại áp đặt ranh giới vì lo sợ bị con cái xem là "người xấu". Tuy nhiên, chính việc liên tục nhượng bộ mọi đòi hỏi và bỏ qua việc thực thi hậu quả sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ các quy tắc có thể dễ dàng bị phớt lờ mà không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Điều này dần khiến trẻ có cảm giác "đặc quyền". Chúng tin rằng mình có thể hành động tùy ý mà không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào.
Luôn bênh vực con: Khi trẻ bị phát hiện làm sai, phản ứng thường thấy của nhiều cha mẹ là lập tức bênh vực, trước cả khi nghe rõ ngọn ngành câu chuyện. Hành động này có thể mang lại cho con cảm giác được yêu thương và che chở. Song, việc luôn đứng về phía con một cách mù quáng vô tình "bật đèn xanh" cho những hành vi sai trái của trẻ. Chúng sẽ nghĩ rằng mọi hành động của mình đều không phải chịu trách nhiệm và có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn.
Quên dạy con lòng biết ơn: Những đứa trẻ lớn lên mà không được dạy dỗ về lòng biết ơn thường có xu hướng hình thành suy nghĩ bản thân xứng đáng được nhận mọi thứ. Chúng dễ dàng tập trung vào những gì mình còn thiếu mà quên đi việc trân trọng những gì đang có.
Không làm gương về sự khiêm nhường: Trẻ em học hỏi chủ yếu qua hành động của cha mẹ, chứ không chỉ qua lời nói. Vậy nên, việc đơn thuần dạy con đừng đòi hỏi là chưa đủ; chúng ta cần thể hiện sự khiêm nhường qua chính cách sống của mình. Khi cha mẹ liên tục thể hiện thái độ "phải thắng bằng mọi giá" hoặc không bao giờ chịu nhận lỗi, họ đang vô tình dạy con rằng thất bại hay sai lầm là điều không thể chấp nhận. Điều này có thể khiến trẻ hình thành cảm giác mình có quyền hơn người, tin rằng bản thân đứng trên mọi sai sót và lời phê bình.
Đặt con vào vị trí "trung tâm của vũ trụ": Việc cha mẹ luôn ưu tiên con là điều dễ hiểu, nhưng nếu liên tục đáp ứng mọi mong muốn của trẻ, họ có thể vô tình khiến con nghĩ mình là "trung tâm của vũ trụ". Trẻ sẽ hình thành tâm lý được ưu tiên tuyệt đối, xem nhẹ cảm xúc và nhu cầu của người khác.
Ngọc Bích
Ảnh: Pexels