7 đổi mới quan trọng, đột phá về quy trình xây dựng pháp luật

7 đổi mới quan trọng, đột phá về quy trình xây dựng pháp luật
7 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cùng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh lắng nghe ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Ban hành VBQPPL chiều 5/2.
Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, tăng cường kiểm soát quyền lực
Về tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL, dự thảo Luật quy định tổng số trong hệ thống là 25 hình thức VBQPPL (giảm 1 hình thức) và do 14 chủ thể có thẩm quyền ban hành (giảm 2 chủ thể).
Về tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL, dự thảo Luật bổ sung một số nguyên tắc quan trọng như kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ, lãng phí trong công tác xây dựng pháp luật; xây dựng, ban hành VBQPPL phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, yêu cầu phát sinh từ thực tiễn; bảo đảm quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ
Để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn, khoản 5 Điều 4 và khoản 2 Điều 14 dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn, áp dụng pháp luật trong một thời gian, phạm vi nhất định thuộc thẩm quyền của Chính phủ; ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có pháp luật điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc khác với nghị định, nghị quyết hiện hành.
Đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội
Dự thảo Luật quy định xây dựng định hướng lập pháp nhiệm kỳ của QH và xây dựng chương trình lập pháp hằng năm với tính chất linh hoạt cao và nhằm mục đích định hướng cho hoạt động lập pháp. Quy trình xây dựng chính sách sẽ được tách bạch ra khỏi việc lập Chương trình lập pháp.
Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL
Nhằm thể chế hóa chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, dự thảo Luật quy định đổi mới toàn diện, mạnh mẽ quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo hướng: vừa bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa nâng cao “năng suất”, vừa chú trọng bảo đảm “chất lượng” VBQPPL… Với tinh thần đó, khi thiết kế quy định cụ thể, dự thảo Luật đã lược bỏ một số thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian ở một số công đoạn như đăng tải, lấy ý kiến.
Phát huy vai trò chịu trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình dự án luật
Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm, dự thảo Luật quy định Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; QH là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng
Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng (những vấn đề cần phải xin ý kiến; trình tự, thủ tục xin ý kiến). Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về việc báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị để ban hành VBQPPL trong trường hợp đặc biệt.
Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL.
Hướng dẫn áp dụng VBQPPL
Để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật, bên cạnh các quy định về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, dự thảo Luật bổ sung quy định về hướng dẫn áp dụng VBQPPL được thực hiện trong 2 trường hợp: có cách hiểu khác nhau về quy định của văn bản; chưa thống nhất việc áp dụng các văn bản.
Nhằm bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng lạm dụng việc hướng dẫn áp dụng VBQPPL để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, dự thảo Luật quy định cơ quan, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL xem xét, hướng dẫn áp dụng đối với văn bản do mình ban hành trên cơ sở đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hình thức văn bản hướng dẫn áp dụng VBQPPL là văn bản hành chính.
Thục Quyên
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/7-doi-moi-quan-trong-dot-pha-ve-quy-trinh-xay-dung-phap-luat-post539222.html