7 lý do để phụ nữ ăn dứa mỗi ngày

7 lý do để phụ nữ ăn dứa mỗi ngày
một ngày trướcBài gốc
NỘI DUNG
1. Thành phần dinh dưỡng của dứa
2. Lợi ích sức khỏe của dứa đối với phụ nữ
3. Phụ nữ nên ăn bao nhiêu dứa mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe?
Dứa là một loại cây nhiệt đới phổ biến được biết đến với hương vị tươi ngon và giàu dinh dưỡng. Dứa được sử dụng theo nhiều cách khác nhau từ ăn trực tiếp đến nước ép, sinh tố...
1. Thành phần dinh dưỡng của dứa
Dứa có lượng calo thấp nhưng rất bổ dưỡng, một cốc (165g) dứa chứa các chất dinh dưỡng sau:
Canxi: 21 mg hoặc 2% giá trị hàng ngày, DV cho phụ nữ)
Sắt: 0,478 mg, 3% DV
Vitamin A: 96 IU, 4% DV
Magie: 19,8 mg, 5% DV
Kali: 180 mg, 4% DV
Phốt pho: 13 mg, 2% DV
Đồng: 0,181 mg, 20% DV
Vitamin B6: 0,185 mg, 11% DV
Vitamin C: 78,9mg, 88% DV
Mangan: 1,5 mg, 83% DV.
Dứa cũng là thực phẩm bổ sung nước cho cơ thể vì nó chứa 80% - 89% là nước.
Dứa giàu dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Phytonutrients, hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe con người có trong toàn bộ quả dứa. Bromelain là một loại enzyme thực vật và dứa có nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khỏe.
Dứa cũng chứa chất chống oxy hóa, acid hữu cơ và hợp chất phenolic, bao gồm flavonoid. Flavonoid hoạt động như chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm, chống ung thư và chống virus tiềm tàng.
Loại quả này đặc biệt giàu vitamin C, rất cần thiết cho sức khỏe miễn dịch, hấp thụ sắt và tăng trưởng và phát triển.
2. Lợi ích sức khỏe của dứa đối với phụ nữ
Dứa chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và là một lựa chọn hỗ trợ sức khỏe phụ nữ theo nhiều cách.
Sức khỏe miễn dịch: Dứa là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng thực vật tuyệt vời liên quan đến sức khỏe miễn dịch tốt hơn. Theo một nghiên cứu, các chất dinh dưỡng có trong dứa như vitamin C, mangan, vitamin B và đồng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe miễn dịch. Những người tham gia nghiên cứu ít bị nhiễm virus và vi khuẩn hơn những người không ăn dứa. Các nhà nghiên cứu cho rằng vitamin C trong dứa có thể làm tăng số lượng tế bào bạch cầu và cải thiện khả năng miễn dịch.
Sức khỏe tiêu hóa: Bromelain và chất xơ trong chế độ ăn uống có trong dứa có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa ở phụ nữ. Bromelain có tác dụng chống viêm, góp phần làm giảm tình trạng viêm ở ruột và đại tràng, có thể có lợi cho những người mắc bệnh viêm ruột.
Chất xơ trong chế độ ăn uống từ dứa cải thiện nhu động ruột và sức khỏe hệ vi sinh đường ruột. Các hợp chất được tìm thấy trong dứa thúc đẩy sự phát triển của prebiotic và probiotic trong ruột, cải thiện sức khỏe đường ruột nói chung.
Sức khỏe làn da: Vitamin C có nhiều trong dứa, cần thiết để tổng hợp collagen, một loại protein rất quan trọng đối với sức khỏe làn da. Nghiên cứu cho thấy sử dụng vitamin C có thể làm chậm các dấu hiệu lão hóa da, tăng cường độ mịn màng của da và giúp giảm tổn thương do ánh nắng mặt trời. Bromelain từ dứa có thể hỗ trợ chữa lành vết thương và cải thiện tình trạng bầm tím. Bromelain hoạt động như một chất tẩy tế bào chết, loại bỏ tế bào da chết và giúp tế bào da mới phát triển.
Sức khỏe xương: Vitamin C và mangan có nhiều trong dứa, đóng vai trò thiết yếu đối với sức khỏe, sự hình thành và mật độ xương. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ có lượng mangan thấp có nhiều khả năng bị loãng xương (xương yếu). Collagen là thành phần thiết yếu của xương khỏe mạnh và cần vitamin C để tổng hợp. Là một chất chống oxy hóa, vitamin C cũng có thể giúp giảm số lượng các gốc tự do có hại cho xương.
Tác dụng chống viêm: Bromelain nổi tiếng là một chất chống viêm. Là một loại enzyme protease, bromelain ảnh hưởng đến quá trình viêm và có thể hữu ích cho bệnh hen suyễn, ung thư, viêm ruột và các tình trạng viêm khác. Các chất dinh dưỡng thực vật khác, được gọi là polyphenol, có trong dứa cũng ảnh hưởng đến quá trình viêm. Polyphenol ngăn ngừa viêm bằng cách thay đổi các quá trình gây viêm.
Cân bằng hormone: Bromelain là một loại enzyme có nhiều trong dứa, có đặc tính chống viêm. Mặc dù không trực tiếp tác động đến nội tiết tố, tình trạng viêm trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone. Bromelain có thể giúp giảm viêm, từ đó có lợi cho hệ thống nội tiết.
Một số khoáng chất trong dứa như mangan có vai trò trong chức năng của tuyến giáp, một tuyến nội tiết quan trọng. Một số nghiên cứu cho thấy bromelain có thể ảnh hưởng đến estrogen ở phụ nữ, có khả năng làm mềm niêm mạc tử cung và hỗ trợ quá trình kinh nguyệt.
Mang thai: Dứa nguyên quả có thể là một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn uống cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Các chất dinh dưỡng trong quả dứa như vitamin C, mangan, kali, folate và đồng, tất cả đều có thể hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chiết xuất dứa cô đặc có nguy cơ kích thích tử cung. Vì lý do này, hãy cân nhắc tránh chiết xuất dứa trong thời kỳ mang thai hoặc nên hỏi ý bác sĩ.
ThS.BS. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Dứa có chứa bromelain. Viên uống có chứa bromelain không được khuyến nghị dùng khi đang mang thai bởi nó có thể phá vỡ protein trong cơ thể và dẫn đến chảy máu bất thường. Tuy nhiên, lượng bromelain trong một quả dứa không ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Trên thực tế, để tạo ra ảnh hưởng đến thai kỳ, bạn phải ăn từ 7-10 trái dứa cùng một lúc.
3. Phụ nữ nên ăn bao nhiêu dứa mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe?
Dứa chứa nhiều vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác cung cấp cho cơ thể những gì cần thiết để duy trì sức khỏe. Ăn bao nhiêu dứa mỗi ngày để có lợi cho sức khỏe có thể khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân và tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, dựa trên thông tin hiện có, có một số hướng dẫn chung.
Một chén dứa tươi mỗi ngày là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cho hầu hết phụ nữ, mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, dứa giúp đáp ứng lượng trái cây khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ, tức là khoảng bốn khẩu phần mỗi ngày. Dứa chứa khoảng 2 g chất xơ mỗi cốc. Phụ nữ nên nhắm đến mục tiêu tiêu thụ khoảng 25 đến 30 g chất xơ mỗi ngày. Như vậy, một khẩu phần vừa phải là khoảng 1 chén (165 g) dứa tươi cắt miếng mỗi ngày thường được coi là một lượng hợp lý cho hầu hết phụ nữ. Khẩu phần này cung cấp một lượng đáng kể vitamin C và mangan, cùng với các vitamin và khoáng chất khác.
Một số người nhạy cảm với bromelain: Bromelain là một loại enzyme trong dứa và có thể gặp phải tình trạng rát lưỡi hoặc khó chịu ở miệng nếu ăn quá nhiều. Ăn dứa với lượng vừa phải và theo dõi phản ứng của cơ thể là quan trọng.
Một số người lo ngại về hàm lượng đường trong dứa: Một cốc dứa chứa khoảng 16 g tổng lượng đường tự nhiên. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo đường tự nhiên từ trái cây, rau và sữa không được tính vào lượng đường bổ sung tối đa được khuyến nghị hàng ngày. Đường tự nhiên trong trái cây có thể làm tăng lượng đường trong máu nhưng hàm lượng chất xơ của nó góp phần làm giảm tác dụng này. Tuy nhiên, phụ nữ hoặc phụ nữ mang thai có đái tháo đường và các tình trạng sức khỏe khác có thể cần hạn chế lượng trái cây ăn vào.
ThS Dinh dưỡng Lê Thu Huế
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/7-ly-do-de-phu-nu-an-dua-moi-ngay-169250330145525762.htm