1. Chọn từ ngữ đơn giản, dễ hiểu: Theo CNBC, các nghiên cứu hành vi đã chỉ ra những từ ngữ bóng bẩy để tỏ ra thông minh thường phản tác dụng, khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Vì vậy, đừng cố gắng gây ấn tượng bằng những từ ngữ phức tạp, khó hiểu. Hãy sử dụng những từ ngữ thông dụng, dễ nghe. Ví dụ, thay vì nói "khởi đầu", hãy dùng "bắt đầu"; thay vì "vận dụng", hãy dùng "sử dụng"; và thay vì "tạo điều kiện", hãy nói "giúp đỡ" hoặc "hỗ trợ"."
2. Đừng cố gắng trở thành người khác: Việc cố nhồi nhét những từ ngữ mới vào vốn từ vựng chỉ để gây ấn tượng trong một tình huống cụ thể là một sai lầm. Nếu cách nói đó không tự nhiên với bạn, bạn sẽ chỉ khiến người nghe cảm thấy giả tạo và thiếu thuyết phục. Quan trọng hơn, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ nghĩa của một từ trước khi sử dụng.
3. Tránh nói kiểu bị động: Nhiều người nghĩ rằng nói câu phức tạp, dùng giọng bị động sẽ khiến lời nói thêm phần sang trọng. Nhưng thực tế, nó chỉ làm người nghe cảm thấy khó hiểu và xa cách. Hãy ưu tiên dùng câu chủ động, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Ví dụ, thay vì nói "Doanh số bán hàng đã được duy trì đà tăng trưởng trong quý này", hãy nói "Doanh số bán hàng tăng trong quý này".
4. Nói ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm: Khi trình bày vấn đề, hãy tập trung vào thông tin quan trọng nhất và diễn đạt thật rõ ràng, mạch lạc thay vì vòng vo những vấn đề ngoài lề. Điều này giúp người nghe dễ dàng nắm bắt ý chính. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có khả năng truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu thường được đánh giá là thông minh và có năng lực hơn.
5. Nói chuyện trực tiếp sẽ hiệu quả hơn viết: Nhiều người cho rằng viết lách sẽ giúp họ trông thông minh hơn nói chuyện. Họ nghĩ rằng khi viết, họ có thể trau chuốt câu chữ, dùng từ ngữ phức tạp hơn và không bị vấp váp như khi nói. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy giọng nói có sức ảnh hưởng lớn hơn. Người nghe thường đánh giá cao và cảm thấy người nói thông minh hơn khi họ được nghe trực tiếp.
6. Tránh xa biệt ngữ, từ chuyên ngành: Các nhà quản lý thường "dị ứng" với những người lạm dụng từ ngữ chuyên ngành. Trong nhiều trường hợp, việc này có thể quyết định bạn có được nhận vào làm hay được thăng chức không. Tốt nhất là bạn nên tránh dùng những từ ngữ sáo rỗng, nghe có vẻ cao siêu nhưng lại mơ hồ và không cần thiết. Thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu để truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và hiệu quả.
7. Im lặng đúng lúc: Nghe có vẻ lạ nhưng việc giữ im lặng vài giây khi nói chuyện có thể khiến người khác đánh giá bạn cao hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người thường xuyên dừng lại giữa các câu thường được xem là có khả năng diễn đạt tốt và học thức cao.
Ngọc Bích
Ảnh: Pexels