Sáng ngày 3-4, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức hội thảo “Rối loạn tâm thần tuổi teen: nhận diện, can thiệp và phòng ngừa” ở TPHCM, với sự đồng hành của Hệ thống Victoria School.
Tại sự kiện, hai chuyên gia về sức khỏe và giáo dục đã chia sẻ nguyên nhân tại sao trẻ vị thành niên dễ gặp rối loạn tâm thần, cách phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, cũng như vai trò của phụ huynh và nhà trường trong việc đồng hành với các em học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Minh Triết, chuyên gia tâm lý và sức khỏe tâm thần nhi khoa, khoảng 10 năm về trước, nhiều người nghe đến cụm từ “rối loạn tâm thần” là sợ, bởi quan niệm rằng người bị rối loạn tâm thần có nghĩa là “điên” mà không biết rằng rối loạn tâm thần được chia thành nhiều dạng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, người ta đã dần nhận thức được tầm quan trọng của các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Một thống kê cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 10-15 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đáng lưu ý, nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chỉ ra, các triệu chứng sức khỏe tâm thần do học sinh tự báo cáo cho thấy khoảng 26% học sinh vị thành niên có nguy cơ trung bình hoặc cao đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Thống kê cho thấy, các vấn đề với bạn đồng trang lứa như bị bắt nạt chiếm 32%; những vấn đề liên quan đến cảm xúc như trầm cảm, lo âu là phổ biến nhất với tỷ lệ là 31%; Khoảng 14% học sinh có triệu chứng của chứng tăng động gồm hành vi bộc phát và kém tập trung; 11% học sinh báo cáo các vấn đề về hành vi như không vâng lời và nói dối.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Minh Triết, khi phát hiện trẻ vị thành niên mắc chứng rối loạn tâm thần, người thân cần bình tĩnh, lắng nghe, quan sát, không trách mắng.
Bác sĩ Triết cho biết, có bốn rối loạn tâm thần thường gặp ở trẻ vị thành niên là căng thẳng (stress), rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi. Thứ nhất đối với stress, đây là sự đáp ứng của cơ thể và trí não của một người với một vấn đề khó khăn hoặc có tính đe dọa. Khi bị stress, cảm xúc thường gặp là bực bội, khó chịu, dễ cáu gắt, giận dữ, cô đơn, lo lắng, vô vọng, sợ hãi, xấu hổ, rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc phấn khích.
Thứ hai là rối loạn lo âu, bản chất đây là tình trạng lo lắng, căng thẳng hoặc sợ hãi kéo dài, ảnh hưởng rõ đến sinh hoạt, học tập, làm việc. Biểu hiện của rối loạn lo âu rất đa dạng về mặt cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Triệu chứng của rối loạn lo âu thường là nhức đầu, căng và đau cơ, mệt mỏi và giảm năng lượng, cảm thấy đau tim, thở khó, run tay, chân, ngủ khó hoặc không sâu, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, ợ nóng hoặc đau bụng).
Thứ ba là trầm cảm, trẻ sẽ buồn, mất hứng thú, mệt mỏi, cảm giác mình thấp kém, giảm tập trung, tăng hoặc giảm cân, ngủ ít hoặc nhiều, thậm chí là có suy nghĩ đến tự sát.
Cuối cùng là rối loạn hành vi, được chia làm hai loại rối loạn. (1) Rối loạn chống đối (ODD): thường xuyên cãi lại, thách thức, dễ cáu gắt và hay đổ lỗi cho người khác. Trẻ có thể cố ý làm phiền người xung quanh, mang tâm lý thù dai, trả đũa khi cảm thấy bị đối xử bất công. (2) Rối loạn cư xử (CD) là bắt nạt, gây gổ, phá hoại, trộm cắp hoặc trốn học. Một số trẻ nói dối thường xuyên, bỏ nhà đi, thậm chí có xu hướng bạo lực; phạm pháp hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội.
Theo bác sĩ Triết, những rối loạn tâm thần có thể điều trị hoặc giảm nhẹ dần các hậu quả cho các em nếu như được phụ huynh quan tâm theo dõi, phát hiện sớm. Để phòng ngừa các rối loạn tâm thần hiện nay, vị bác sĩ này cho rằng cần xây dựng môi trường gia đình hỗ trợ như thể hiện sự quan tâm, yêu thương qua lời nói và hành động, đặt quy tắc rõ ràng nhưng linh hoạt, hạn chế xung đột gia đình…
Phụ huynh cũng nên khuyến khích học sinh giao tiếp và chia sẻ, không phán xét; rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc như nhận diện, gọi tên cảm xúc, tư duy tích cực, vận động thể chất, duy trì giấc ngủ tốt.
Ngoài ra, phụ huynh phải thường xuyên quan tâm, giám sát các con để phát hiện những dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn như trước đây, con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền nhưng gần đây, bỗng nhiên con có những thay đổi bất thường về hành vi, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ… thì cần đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên là một thách thức lớn, nhưng không phải là không thể vượt qua. Bên cạnh sự quan tâm từ gia đình và xã hội, môi trường học đường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện, hỗ trợ và đồng hành cùng các em học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Theo Thạc sĩ Giáo dục Christopher Bradley, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyên môn Hệ thống Giáo dục Victoria School, kiêm Tổng hiệu trưởng Victoria School Nam Sài Gòn, tại trường này, cứ 500 học sinh thì có 100 học sinh cần tham vấn về sức khỏe tâm thần. Do đó, việc nhận biết và hỗ trợ học sinh để can thiệp sớm khi trẻ có triệu chứng rối loạn tâm thần là điều vô cùng quan trọng tại trường học.
“Một trong những điều nhà trường có thể làm là thúc đẩy hoạt động rèn luyện sức khỏe tinh thần tích cực. Theo đó, chúng tôi tạo dựng văn hóa trường học để hỗ trợ học sinh hòa nhập, khuyến khích trẻ có tấm lòng nhân ái và giải quyết vấn đề bắt nạt… Đây là điều hết sức quan trọng đối với việc vun đắp cảm xúc cho học sinh”, ông Christopher Bradley nói.
Việc lồng ghép giáo dục sức khỏe tâm thần vào chương trình học giúp học sinh nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng của các vấn đề sức khỏe tâm thần và biết cách ứng phó là vô cùng quan trọng. Nhà trường nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất, có chế độ ăn uống lành mạnh, thực hành tỉnh thức và thư giãn để kiểm soát căng thẳng và nâng cao sức khỏe tâm thần tổng thể.
Theo Thạc sĩ Giáo dục Christopher Bradley, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuyên môn Hệ thống Giáo dục Victoria School, kiêm Tổng hiệu trưởng Victoria School Nam Sài Gòn, việc nhận biết và hỗ trợ học sinh thông qua những chiến lược can thiệp sớm các rối loạn tâm thần là điều vô cùng quan trọng tại trường học.
Ngoài ra, ông Christopher Bradley cho biết, nhà trường cũng trang bị cho giáo viên và nhân viên khả năng nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm về căng thẳng tinh thần và cách ứng phó phù hợp, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho học sinh. Trường sử dụng các công cụ để xác định những học sinh có nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, cho phép can thiệp sớm. Cùng với đó là phối hợp với gia đình và các đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài để đảm bảo học sinh nhận được sự hỗ trợ cần thiết, giúp các em thích ứng trong môi trường học đường.
Không những vậy, hệ thống giáo dục Victoria School cũng thiết lập những không gian an toàn, tạo ra các khu vực được chỉ định, nơi học sinh có thể thư giãn, chia sẻ những lo lắng của bản thân, cũng như mang lại cảm giác an toàn…
Có thể thấy, trẻ vị thành niên là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đang hình thành nhân cách nên rất cần sự quan tâm chăm sóc của gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, sự gần gũi, thấu hiểu của các bậc phụ huynh vẫn là điều quan trọng nhất. Phụ huynh hãy tìm phương pháp điều trị phù hợp để giúp con dần tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống.
Thảo Nhã Khoa
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị : https://sgtt.thesaigontimes.vn/ngay-cang-co-nhieu-tre-vi-thanh-nien-bi-roi-loan-tam-than-vi-dau-nen-noi/