Penang (Malaysia)
Nghệ thuật đường phố tại Penang bắt đầu được chú ý sau lễ hội George Town năm 2012, khi các tác phẩm tranh tường đầu tiên xuất hiện tại khu phố cổ George Town.
Ảnh: Canva
Dự án nghệ thuật cộng đồng với chủ đề mèo bị bỏ rơi sau đó cũng đã giúp lan tỏa thông điệp bảo vệ động vật. Ngoài tranh vẽ, hơn 50 tác phẩm điêu khắc dây thép do các họa sĩ địa phương thực hiện cũng góp phần tạo nên bản sắc nghệ thuật riêng cho khu vực này.
Delhi (Ấn Độ)
Ảnh: Canva
Năm 2014, tổ chức St+Art triển khai khu nghệ thuật công cộng tại Lodhi Colony – nơi từng là dãy nhà công vụ. Kể từ đó, các bức tranh tường phản ánh đời sống đô thị và văn hóa bản địa đã biến nơi đây thành một trong những địa điểm nghệ thuật ngoài trời nổi bật của Ấn Độ.
Bangkok (Thái Lan)
Lễ hội nghệ thuật đường phố tổ chức tại khu Charoenkrung Soi 32 vào năm 2016 đã khởi đầu cho sự xuất hiện của các bức tranh tường mang phong cách hiện đại ở Bangkok. Dù một số tác phẩm ban đầu đã được thay thế, khu vực này vẫn là nơi sáng tác sôi động.
Ảnh: Canva
Gần đó, khu Chinatown và đường Song Wat tập trung nhiều tranh tường gắn với chủ đề văn hóa, ẩm thực và cộng đồng. Tại hẻm San Chao Rong Kueak ở Talad Noi, người dân và du khách có thể bắt gặp các bức vẽ gợi lại lịch sử cộng đồng người Hoa tại Bangkok.
Singapore
Trong hơn một thập kỷ, Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Singapore đã phối hợp với nghệ sĩ trong nước để đưa nghệ thuật vào không gian công cộng. Tại khu Chinatown, các tác phẩm tái hiện sinh hoạt truyền thống như bán hàng rong, biểu diễn nghệ thuật dân gian.
Ảnh: Canva
Khu Little India và các con hẻm như Haji Lane hay phố Muscat cũng được biết đến với tranh tường đa phong cách, trong đó có không gian trưng bày ngoài trời đầu tiên tại Singapore – Gelam Gallery.
Đài Bắc (Đài Loan)
Ximending - khu đi bộ lâu đời ở Đài Bắc là một trong những trung tâm nghệ thuật đường phố tiêu biểu, với các vạch sơn và tranh vẽ mang tính biểu tượng.
Ảnh: Canva
Những con hẻm nhỏ xung quanh như phố America hay Wuchang quy tụ nhiều tác phẩm graffiti và tranh tường do nghệ sĩ địa phương thực hiện. Gần đó, khu Taipei Cinema Park là nơi trưng bày các tác phẩm đậm chất đương đại.
Hong Kong
Ảnh: Canva
Khu Sai Ying Pun là một trong những địa điểm nghệ thuật đường phố nổi bật tại Hong Kong. Các lễ hội nghệ thuật hằng năm đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, với nhiều tác phẩm xuất hiện tại khách sạn, khu phố, và không gian công cộng như Lan Kwai Fong, Staunton Street hay Hollywood Road.
Seoul (Hàn Quốc)
Ảnh: Canva
Làng bích họa Ihwa - khu dân cư từng nằm trong diện quy hoạch đã được “hồi sinh” nhờ các bức tranh tường phản ánh đời sống thường nhật.
Khu Hongdae, nơi tập trung giới nghệ sĩ độc lập, có con hẻm Picasso với nhiều tranh tường nằm xen giữa quán cà phê và cửa hàng nhỏ. Trong khi đó, Mullae-Dong vốn là khu công nghiệp cũ đã trở thành điểm đến nghệ thuật với các tác phẩm điêu khắc làm từ vật liệu tái chế.
Theo Time Out
Đăng Huy