Ông vừa được kết nạp vào Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) hồi cuối năm 2024. Đây là dấu mốc quan trọng, chấm dứt quãng thời gian ông tự nhận mình chỉ là một “thợ vẽ” như cách bạn bè vẫn trêu đùa.
Họa sĩ Trần Văn Hùng miệt mài bên giá vẽ. Ảnh: N.A.M
Nhắc đến họa sĩ Trần Văn Hùng, có thể nhiều người chưa quen, nhưng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hùng Hoa Lư thì chắc hẳn không xa lạ. Xuất thân là một giáo viên dạy Ngữ văn, rời bục giảng, ông Hùng chuyển sang làm nghề chụp ảnh rồi đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh lúc nào không biết.
Ông đắm mình trong những hành trình rong ruổi khắp buôn làng Tây Nguyên để ghi lại nét đẹp chân thực của con người và văn hóa nơi đây. Những năm qua, ông đạt được nhiều giải thưởng trong lĩnh vực nhiếp ảnh ở khu vực, quốc gia, quốc tế.
Dù thành danh với nhiếp ảnh, nhưng chưa bao giờ ông Hùng quên niềm đam mê hội họa. Ông kể: Hồi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, ông đã được một thầy giáo phát hiện năng khiếu hội họa và tận tình chỉ dạy cách vẽ truyền thần. Lúc đó, chàng sinh viên Trần Văn Hùng đã nhận vẽ truyền thần để kiếm thêm thu nhập trang trải việc học hành. Ra trường, ông lên Gia Lai dạy học, rồi công việc cứ cuốn đi. Bây giờ, ở tuổi thất thập, ông mới thực sự trở lại với cây cọ, sống với niềm đam mê hội họa.
Họa sĩ Mai Quý Ngọc-Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh): “Tranh của họa sĩ Trần Văn Hùng thường đặc tả chân dung những người Bahnar, Jrai chân thực nhưng sống động. Đây có lẽ là sở trường của ông. Trong 3 năm qua, ông đã cho ra đời hơn 40 tác phẩm, một thành quả sáng tạo mà không phải họa sĩ nào cũng làm được”.
Tranh của họa sĩ Trần Văn Hùng chủ yếu dùng chất liệu sơn dầu. Gần đây, ông khai thác và sử dụng thêm chất liệu acrylic, khắc gỗ, khắc thạch cao, bút lửa (dùng bút lửa vẽ trên gỗ)...
Đề tài trong tranh khá đa dạng, từ vẽ phong cảnh, chủ yếu là những danh thắng nổi tiếng ở Gia Lai như Biển Hồ, Chư Đang Ya, thác K50, đến những hình ảnh gắn bó với Tây Nguyên như hoa cà phê bung nở, dã quỳ rực rỡ, hoa pơ lang thắm đỏ tươi...
Nhưng đặc biệt nhất vẫn là những bức chân dung giàu cảm xúc: nếp nhăn hóm hỉnh của cụ già, ánh mắt trong veo của đứa trẻ, tất cả được tái hiện sinh động bằng thủ pháp truyền thần.
Hai năm gần đây, họa sĩ Trần Văn Hùng đã có một số tác phẩm hội họa tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, trong đó, tác phẩm tranh sơn dầu “Hiện tại và tương lai” được Hội đồng giám khảo chọn giới thiệu tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội.
Tại cuộc thi Mỹ thuật Gia Lai năm 2024 với chủ đề “Sắc màu Tây Nguyên”, họa sĩ Trần Văn Hùng gửi tham gia dự thi 3 tác phẩm tranh sơn dầu gồm: “Chiều của mẹ”, “Mẹ vắng nhà”, “Tiếng gọi núi rừng”. Kết quả chung cuộc, ông được trao giải ba cho tác phẩm “Chiều của mẹ”. Nhiều tác phẩm hội họa của ông khi chưa hoàn thiện đã có khách đặt hàng.
Ở tuổi 70, việc được kết nạp vào Chi hội Mỹ thuật và được những người “trong nghề” công nhận là niềm vui lớn và là động lực để ông tiếp tục sáng tác. Đối với loại tranh bút lửa, ông đang tập trung hoàn thiện bức vẽ Bác Hồ với Tây Nguyên. Họa sĩ Trần Văn Hùng dự định sẽ dành thời gian để vẽ một bộ tranh đặc tả về Tây Nguyên và tổ chức triển lãm tranh cá nhân trong năm 2025.
NGUYỄN ANH MINH