1. Tại sao lại gọi là gai cột sống?
Nội dung
1. Tại sao lại gọi là gai cột sống?
2. Có phải người cao tuổi dễ mắc gai cột sống nhất không?
3. Đau lưng có phải là dấu hiệu gai cột sống?
4. Bệnh gai cột sống có chữa khỏi được không?
5. Đông y có chữa được gai cột sống không?
6. Người bệnh cần lưu ý gì khi điều trị gai cột sống?
7. Cách chăm sóc người bệnh gai cột sống tại nhà
8. Chi phí điều trị gai cột sống
Sở dĩ bệnh được gọi là gai cột sống vì ở phần phía ngoài hoặc hai bên của cột sống hình thành nên các phần xương giống như chiếc gai. Hầu hết các vị trí trên xương sống đều có thể xuất hiện gai cột sống nhưng phổ biến nhất là ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ.
2. Có phải người cao tuổi dễ mắc gai cột sống nhất không?
Gai cột sống thường liên quan đến quá trình lão hóa. Ở người cao tuổi, quá trình lão hóa khiến các đĩa đệm và khớp cột sống bị thoái hóa, tăng khả năng hình thành gai xương. Do đó, đây là tình trạng khá phổ biến ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên gai cột sống cũng có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như:
Đối với những người thường xuyên nâng vật nặng, vận động mạnh hoặc làm việc trong tư thế không đúng có thể gây áp lực lên cột sống, dẫn đến gai cột sống sớm hơn. Ở người thừa cân, béo phì, cân nặng quá lớn gây áp lực lên cột sống làm tăng nguy cơ tổn thương.
Người mắc các bệnh lý về cột sống hay bị chấn thương cột sống đều có thể làm tăng nguy cơ hình thành gai cột sống.
Đau lưng là dấu hiệu thường gặp khi bị gai cột sống.
3. Đau lưng có phải là dấu hiệu gai cột sống?
Đau lưng là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, trong đó bao gồm gai cột sống. Vì gai cột sống là tình trạng hình thành các mấu xương nhỏ ở các đốt sống. Khi các mấu xương này chèn ép vào dây thần kinh hoặc rễ thần kinh, chúng có thể gây ra đau lưng, tê bì chân tay hoặc hạn chế vận động.
4. Bệnh gai cột sống có chữa khỏi được không?
Theo TS.BS. Tăng Hà Nam Anh, Bệnh viện Tâm Anh cho biết, gai cột sống không tiêu được mà mục tiêu là giữ cho mức độ thoái hóa chậm lại. Khị bị đau, người bị gai cột sống nên điều trị cơn đau vì nếu không điều trị sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn dinh dưỡng và sẽ gây đau ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, nên xem lại công việc của người bệnh có ảnh hưởng, thúc đẩy thoái hóa nhanh hơn không, ví dụ như khom lưng, mang vác nặng, thậm chí tư thế ngồi làm việc lâu cần đứng dậy để giảm áp lực cột sống, cần lưu ý đến tư thế ngồi đúng...
Như vậy, bệnh gai cột sống không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh, giảm thiểu các cơn đau và khó chịu nhờ vào các phương pháp điều trị thích hợp. Mục tiêu chính của việc điều trị gai cột sống là giảm đau, cải thiện chức năng vận động và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Điều quan trọng là cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và duy trì một lối sống lành mạnh.
5. Đông y có chữa được gai cột sống không?
Đông y có thể hỗ trợ điều trị gai cột sống bằng các bài thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm, tăng cường tuần hoàn máu đến vùng cột sống, kết hợp với các phương pháp điều trị khác như châm cứu, vật lý trị liệu, tập luyện để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín và tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
6. Người bệnh cần lưu ý gì khi điều trị gai cột sống?
Để điều trị gai cột sống an toàn, hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:
- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Báo ngay cho bác sĩ các triệu chứng bất thường khi sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.
- Có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu để giảm đau. Dùng đai cổ hoặc đai lưng đúng cách. Chườm nhiệt hoặc đá có thể làm dịu các cơ cổ, cột sống bị đau.
- Tập thể dục thường xuyên, duy trì hoạt động sẽ giúp tăng tốc độ phục hồi.
- Nên khám định kỳ để theo dõi tiến trình hoặc phát hiện những bất thường trong quá trình điều trị.
7. Cách chăm sóc người bệnh gai cột sống tại nhà
Người bệnh cần có môi trường sống thoải mái, sạch sẽ. Chọn giường ngủ có độ cứng vừa phải, không quá mềm cũng không quá cứng. Sử dụng đệm và gối có độ nâng đỡ tốt cho cột sống.
Dùng ghế có tựa lưng, ngồi thẳng lưng và kê chân lên một vật đỡ khi ngồi lâu. Nên nằm nghiêng và kê gối giữa hai chân để giảm áp lực lên cột sống. Tránh nằm sấp hoặc nằm ngửa quá lâu.
Nên vận động nhẹ nhàng, đi bộ và tập các bài tập phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu. Massage nhẹ nhàng vùng lưng có thể giúp giảm đau và thư giãn cơ bắp.
Cần có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và canxi để tăng cường sức khỏe xương khớp. Hạn chế ăn các loại thịt đỏ, đồ ăn nhanh, đồ uống có gas, rượu bia... có thể làm tăng tình trạng viêm và đau nhức.
Vận động nhẹ nhàng và tập các bài tập phù hợp giúp giảm đau do gai cột sống.
8. Chi phí điều trị gai cột sống
Chi phí điều trị gai cột sống tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh càng nặng, phức tạp thì chi phí điều trị càng cao. Ngoài ra nếu người bệnh mắc phải các bệnh lý khác, chi phí điều trị sẽ tăng lên. Điều trị nội khoa thường có chi phí thấp nhất, bao gồm dùng thuốc giảm đau, chống viêm...
Người bệnh nên đến các bệnh viện uy tín để khám và điều trị. Tại bệnh viện công lập chi phí thường thấp hơn các bệnh viện tư. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán theo quy định.
Vân Anh