Nội dung
1. Tại sao người bị bệnh gout nên cắt giảm purin?
2. Những loại thực phẩm giàu purin người bệnh gout nên tránh tiêu thụ
3. Đồ uống nào ảnh hưởng đến bệnh gout?
1. Tại sao người bị bệnh gout nên cắt giảm purin?
Mặc dù không có chế độ ăn cụ thể nào được khuyến nghị cho người bệnh gout nhưng chế độ ăn phù hợp với bệnh gout thường bao gồm việc hạn chế các thực phẩm làm tăng nồng độ acid uric trong cơ thể, đặc biệt là các thực phẩm có chứa purin.
Purin là hợp chất tự nhiên có trong một số loại thực phẩm và đồ uống như thịt, hải sản và rượu. Khi bạn ăn purin, cơ thể sẽ phân hủy chúng thành acid uric. Do đó, ăn chế độ ăn nhiều purin có thể khiến các tinh thể acid uric tích tụ trong các khớp và mô cơ thể, làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gout.
Người bị bệnh gout nên tránh xa thực phẩm giàu purin - thủ phạm chính làm tăng nồng độ acid uric và gây ra những cơn đau cấp tính.
Tuy nhiên, mặc dù việc cắt giảm các loại thực phẩm giàu purin có ích cho những người bị bệnh gout nhưng việc cắt bỏ tất cả các loại thực phẩm có chứa purin là không thực tế. Thay vào đó, những người bị bệnh gout được khuyến khích hạn chế đáng kể các loại thực phẩm và đồ uống có hàm lượng purin cao nhất.
Ngoài việc cắt giảm thực phẩm có hàm lượng purin cao, những người bị bệnh gout được khuyến khích uống nhiều nước và bổ sung các loại thực phẩm, đồ uống có tác dụng giảm acid uric trong cơ thể như trái cây, rau và cà phê.
2. Những loại thực phẩm giàu purin người bệnh gout nên tránh tiêu thụ
Mặc dù thường không cần thiết phải tránh hoàn toàn tất cả các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao nhưng hầu hết các chuyên gia đều khuyên người bệnh gout nên cắt giảm đáng kể các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao nhất. Điều quan trọng nữa là phải giảm lượng đường bổ sung - chất này sẽ phân hủy thành acid uric trong cơ thể - và các loại thực phẩm siêu chế biến góp phần gây viêm.
Các loại thực phẩm sau đây có thể gây ra các triệu chứng của bệnh gout và nên hạn chế tiêu thụ:
Thịt đỏ và thịt chế biến
Thịt bò, nội tạng động vật, thịt chó, thịt ngỗng,... là những thực phẩm giàu purin nhất.
Thịt đỏ và thịt chế biến như thịt bò bít tết, thịt xông khói có hàm lượng purin cao và là tác nhân phổ biến gây ra các triệu chứng của bệnh gout.
Nội tạng động vật
Nội tạng động vật như gan, thận là nguồn cung cấp purin tập trung và nên hạn chế đối với những người bị bệnh gout.
Siro ngô có hàm lượng fructose cao
Siro ngô có hàm lượng fructose cao (HFCS) là chất làm ngọt nhân tạo có chứa nhiều fructose và thường có trong nước ngọt. Fructose phân hủy thành purin trong cơ thể, vì vậy cần hạn chế để duy trì mức acid uric lành mạnh. Viện Quốc gia về Viêm khớp và các bệnh về Cơ xương và Da Hoa Kỳ liệt kê đồ uống có chứa HFCS là yếu tố nguy cơ mắc bệnh gout.
Thực phẩm nhiều đường
Chế độ ăn nhiều đường không chỉ làm tăng nồng độ acid uric mà còn thúc đẩy tình trạng viêm, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gout.
Một số loại hải sản
Hải sản như cá hồi, cá ngừ và cá hồi vân có hàm lượng purin cao và gây ra các triệu chứng của bệnh gout.
Thực phẩm siêu chế biến
Thực phẩm siêu chế biến như thức ăn nhanh và đồ ăn nhẹ đóng gói có thể làm tăng tình trạng viêm, từ đó làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các chứng rối loạn viêm như bệnh gout.
Gà tây
Gà tây có hàm lượng purin cao và nên hạn chế đối với những người bị bệnh gout.
Nấm men và thực phẩm giàu nấm men
Ăn nấm men và thực phẩm giàu nấm men như bánh mì có thể dẫn đến sự phát triển của một số loại vi khuẩn trong ruột, làm tăng nồng độ acid uric.
Hãy nhớ rằng một số loại thực phẩm, bao gồm rau và ngũ cốc, có chứa purin nhưng không cần thiết phải cắt bỏ tất cả các loại thực phẩm có chứa purin khỏi chế độ ăn uống. Tập trung vào việc cắt giảm hoặc hạn chế các loại thực phẩm có hàm lượng purin cao nhất và tuân theo chế độ ăn uống chống viêm, bổ dưỡng nói chung.
3. Đồ uống nào ảnh hưởng đến bệnh gout?
Để giảm nguy cơ bùng phát bệnh gout và tăng cường sức khỏe tổng thể, bạn nên hạn chế đồ uống có đường và đồ uống có cồn. Lượng đường dư thừa dưới dạng fructose sẽ phân hủy thành acid uric trong cơ thể, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh gout.
Một số đồ uống có cồn có hàm lượng purin cao hơn những loại khác, tất cả đồ uống có cồn, bao gồm bia, rượu vang và rượu mạnh, đều có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn.
Người bị bệnh gout cần tránh hoặc cắt giảm các loại đồ uống như bia, rượu, nước ngọt và các loại đồ uống có đường khác. Thay thế những đồ uống này bằng nước lọc, nước có gas với chanh hoặc trà thảo mộc không đường. Cà phê không đường cũng có thể hữu ích cho bệnh gout.
Nếu muốn thay đổi chế độ ăn uống để điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh gout, nên hỏi ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng về việc giúp bạn lập chế độ ăn kiêng cho bệnh gout phù hợp với nhu cầu sức khỏe cá nhân.
Thiên Châu