Tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân tộc và tôn giáo diễn ra chiều 31/3 ở Khánh Hòa, ông Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) đã cập nhật nhiều thông tin đáng chú ý về kết quả thực hiện chương trình này.
“Các dự án, tiểu dự án và nội dung chính sách của chương trình 1719 đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân gần 4%/năm, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng”, ông Quân cho hay.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân gần 4%/năm, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Ảnh: Thạch Thảo
Tới nay, đã có 9 tỉnh/thành phố cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đề ra, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh có mức độ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu còn thấp như: Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An…
2 nhóm mục tiêu các tỉnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất trong quá trình triển khai thực hiện gồm: Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn đã phân bổ thực hiện chương trình 1719 trong giai đoạn 2022-2024 tính đến thời điểm 30/1 được hơn 48 nghìn tỷ đồng (72,6%), trong đó, giải ngân vốn đầu tư gần 30 nghìn tỷ đồng (85,6%); giải ngân vốn sự nghiệp khoảng 18 nghìn tỷ đồng (đạt 58%).
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2024, ngân sách địa phương đã giải ngân hơn 9 nghìn tỷ đồng (79,2%), trong đó, vốn đầu tư hơn 7,6 nghìn tỷ đồng (đạt 81,8%); vốn sự nghiệp hơn 1,4 nghìn tỷ đồng (đạt 67,8%).
Kết quả giải ngân có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương. Những địa phương giải ngân tốt gồm: Cà Mau (95,4%), Trà Vinh (91,2%), Khánh Hòa (88,6%), Bắc Giang (88,5%), Sóc Trăng (83,3%), Thanh Hóa (82,6%). Các địa phương giải ngân thấp gồm: Nghệ An (56,9%), An Giang (60,3%), Bạc Liêu (61,4%), Quảng Ngãi (62,8%), Lai Châu (63,7%).
Chương trình 1719 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 120/2020, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giảm nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Chương trình bao gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án và 12 nội dung thành phần, được triển khai trên địa bàn 49 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với 3.434 xã (xã, phường, thị trấn), trong đó 1.551 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), 210 xã khu vực II và 1.673 xã khu vực I, với 13.222 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các hoạt động hỗ trợ của chương trình hướng tới các hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ nghèo, cận nghèo người Kinh ở vùng đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế - xã hội hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bình Minh