Cơn "khát" nước tưới
Từ đầu tháng 3/2025, hàng loạt công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) đã cạn kiệt nguồn nước. Những ngày cuối tháng 3, lòng hồ thủy lợi thôn Sơn Trung (xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil) trở nên khô cằn, nứt nẻ.
Hồ thủy lợi thôn Sơn Trung (xã Đắk Gằn) cạn kiệt nguồn nước.
Bà Lê Thị Liên (sinh năm 1957, trú tại thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn) chia sẻ rằng gia đình bà canh tác 2ha cà phê xen tiêu. Nguồn nước tưới tiêu của gia đình bà phụ thuộc hoàn toàn vào hồ thủy lợi thôn Sơn Trung. Nhưng suốt một tháng qua, nước hồ gần như cạn kiệt, khiến việc tưới tiêu trở nên vô cùng khó khăn.
Để cứu vườn cây, gia đình bà Liên đã đầu tư khoan giếng sâu 50m với hy vọng tìm nguồn nước. Thế nhưng, nước giếng chỉ đủ cho sinh hoạt hằng ngày, không thể đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.
Thiếu nước trầm trọng, vợ chồng bà Liên phải tận dụng từng giọt nước mạch rỉ ra từ lòng hồ thủy lợi. Cứ cách hai ngày, họ lại xuống hồ vét nước một lần để tưới cho vườn cà phê. Thế nhưng, lượng nước ít ỏi chỉ đủ tưới trong vòng một giờ đồng hồ, sau đó lại cạn kiệt.
Mặt hồ thủy lợi nứt nẻ.
Không chỉ gia đình bà Liên, tình trạng khan hiếm nước tưới đang khiến gia đình anh Tạ Duy Thông (SN 1991, trú tại thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) rơi vào cảnh lo lắng, bất lực nhìn vườn cà phê héo úa từng ngày mà không thể làm gì hơn.
Gia đình anh Thông canh tác 2ha cà phê, nguồn nước tưới phụ thuộc vào hồ Đội 40 (xã Đắk Lao). Tuy nhiên, hồ đã cạn nước suốt một tháng nay, trong khi gia đình anh chưa kịp tưới đợt nước thứ hai. Không còn cách nào khác, anh cùng hai hộ dân khác trong vùng phải bỏ tiền mua nước từ nơi cách nhà 1,5km, với chi phí lên đến 500.000 đồng mỗi giờ bơm.
Gia đình bà Liên phải vẹt từng vũng nước mạch nhỏ dưới hồ để tưới cho vườn cây cà phê.
Người dân cho biết, nửa tháng trước, nước từ hồ Tây được điều tiết về hồ Đội 40 để tưới tiêu, nhưng nhanh chóng cạn kiệt do hơn 20 máy bơm hoạt động cùng lúc. Hiện đã đến kỳ tưới đợt 3, nhưng nước vẫn chưa về, khiến cà phê khô héo.
"Nay đã đến kỳ tưới đợt 3 cho cây cà phê, nhưng chúng tôi vẫn phải chờ nước từ hệ thống thủy lợi điều tiết về. Trong khi đó, vườn cà phê ngày càng khô héo, chỉ còn cách thỉnh thoảng vét những vũng nước mạch ít ỏi từ đáy hồ để tưới cấp cứu cho cây trồng", anh Thông chia sẻ.
Ông Chu Gia Thất, Trưởng thôn Đắk Thọ cho biết, tình trạng cạn kiệt nguồn nước trong hồ đã khiến cho cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều vườn cây cà phê đang dần bị cháy lá, khô cành, khô quả, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cây cà phê.
Hồ Đội 40 đã cạn nước suốt 1 tháng nay.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, trên địa bàn có 7 công trình thủy lợi. Nhưng, đến nay đã có 6 công trình cạn kiệt nước.
Thời gian qua, đơn vị thủy lợi đã điều tiết nước từ Hồ Tây (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) về các hồ, đập trên địa bàn xã Đắk Lao. Tuy nhiên, vẫn không đảm bảo lượng nước tưới, một số giếng khoan của nhiều hộ dân cũng bị cạn kiệt.
Toàn xã có 5.000ha cây công nghiệp gồm cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Qua kiểm tra thực tế, do thiếu nguồn nước tưới đã khiến cho khoảng 200ha cà phê bị ảnh hưởng và khô héo. Thời gian tới, nếu không có mưa thì sẽ có khoảng 700ha cây trồng trên địa bàn bị thiếu nước nghiêm trọng.
Người dân đặt chi chít ống tưới, máy bơm tại hồ Đội 40, nhưng không có nước để tưới.
Khoét đá tìm nước
Tại xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông), không ít hộ dân đang rơi vào cảnh lao đao khi đập thủy lợi trên địa bàn khô cạn suốt gần một tháng qua. Những mảng đất nứt nẻ, trơ đáy tại đập Hợp tác xã Mạnh Thắng là hình ảnh xót xa mà người dân nơi đây phải đối mặt mỗi ngày.
Ông Phạm Minh Trưng (SN 1967, trú tại thôn 8, xã Đức Mạnh) cho hay: "Thời tiết ngày càng khó lường. Năm 2024, El Nino khiến nguồn nước suy giảm, nhưng năm nay dù không có El Nino, hồ thủy lợi vẫn cạn khô".
Ông Phạm Minh Trưng túc trực tại đập Hợp tác xã Mạnh Thắng để vét từng chút nước mạch.
Để cứu lấy 1h sầu riêng xen canh cà phê và hồ tiêu, gia đình ông Trưng phải túc trực bên đập Hợp tác xã Mạnh Thắng, tận dụng từng giọt nước rỉ ra từ lòng hồ.
"Sau hạn hán kéo dài, nếu gặp mưa đột ngột, cây dễ bị sốc nhiệt, rụng hoa, rụng quả hàng loạt. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn phải vét từng giọt nước để duy trì độ ẩm. Mỗi ngày, tôi dùng máy nổ hút nước từ những khe mạch nhỏ, nhưng lượng nước ít ỏi chỉ đủ tưới trong 30 phút rồi lại cạn", ông Trung lo lắng nói.
Nhiều vườn cây cà phê đang dần bị cháy lá, khô cành vì thiếu nước.
Không còn cách nào khác, nhiều hộ dân tại thôn Đức Thành (xã Đức Mạnh) đã phải thuê máy móc đào ao, khoét đá để tìm nguồn nước. Dọc các khu rẫy, hàng loạt ao sâu được đào san sát, nhưng không phải ao nào cũng có nước.
Theo anh Trần Quốc Huy (SN 1991, trú tại thôn Đức Thành), do hồ thủy lợi khô cạn, gia đình anh cùng nhiều hộ dân phải thuê máy móc khoét đá, đào ao cách rẫy khoảng 1km, tốn từ 20-30 triệu đồng nhưng kết quả vẫn không khả quan.
Người dân tại xã Đức Mạnh phải khoét đá đào ao.
"Chúng tôi lại phải chờ nhiều ngày để nước mạch chảy ra mới có thể tưới tiếp, nhưng cũng chỉ kéo dài được khoảng 4 tiếng rồi lại hết. Đáng nói, chi phí tưới tiêu cũng trở thành gánh nặng cho nhiều hộ dân. Ngoài việc đầu tư hệ thống tưới, mỗi đợt bơm nước từ ao về rẫy, gia đình tôi phải chi gần 1 triệu đồng tiền dầu", anh Huy bày tỏ.
Anh Trần Quốc Huy cho biết, việc đào ao ở khu vực nhiều đá bàn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều ao đào xong nhưng không có nước.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đắk Mil cho biết, đến ngày 27/3, dung tích nước tại các hồ, đập chỉ đạt hơn 42%. Hiện, 9 công trình thủy lợi đã cạn kiệt. Nếu nắng nóng kéo dài, một số xã như Đắk Lao, Đắk N’Drót, Đắk Gằn, Đắk R’la sẽ thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Khánh Ngọc