Ngày 18 tháng 11, Armyrecognition thông tin, Ủy ban châu Âu phê duyệt việc mua sắm chung Hệ thống phòng không Mistral để tăng cường an ninh cho Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, ngày 14 tháng 11 năm 2024, Ủy ban châu Âu công bố phê duyệt việc mua sắm các hệ thống phòng không và tên lửa tiên tiến theo Chương trình tăng cường Công nghiệp Quốc phòng châu Âu thông qua công cụ mua sắm chung EDIRPA. Trong số các dự án được đưa vào, hệ thống Mistral nổi bật là loại vũ khí quan trọng để tăng cường năng lực phòng không tập thể của 9 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu: Pháp, Bỉ, Síp, Estonia, Tây Ban Nha, Hungary, Slovenia, Romania và Đan Mạch.
Hệ thống Mistral do Công ty Quốc phòng MBDA của Pháp phát triển, là hệ thống tên lửa phòng không tầm cực ngắn. Mistral được thiết kế để vô hiệu hóa nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Được biết đến với độ tin cậy và tính linh hoạt, hệ thống Mistral đã được đưa vào sử dụng trong nhiều lực lượng vũ trang trên toàn thế giới và được coi là nền tảng cho hệ thống phòng không tầm ngắn hiện đại.
Mistral 3 là một hệ thống phòng không di động hiện đại, cung cấp khả năng bảo vệ cực kỳ hiệu quả trước các mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình. (Nguồn ảnh: Army Recognition)
Tên lửa Mistral sử dụng công nghệ dẫn đường hồng ngoại tiên tiến, cho phép nó tấn công mục tiêu với độ chính xác cao ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi và chống lại các mục tiêu có tín hiệu nhiệt thấp. Mỗi tên lửa được trang bị đầu đạn phân mảnh nổ mạnh, được thiết kế để tối đa hóa khả năng sát thương đối với nhiều mục tiêu trên không. Hệ thống có thể được triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm bệ phóng di động, hệ thống gắn trên xe, tàu hải quân và thậm chí tích hợp vào các mạng lưới phòng không lớn hơn.
Mistral 3 hiện là phiên bản tiên tiến nhất của hệ thống. Phạm vi của nó được tăng cường, hệ thống dẫn đường được cải thiện và các biện pháp đối phó với các mối nguy cũng tốt hơn so với các phiên bản trước đó. Tên lửa Mistral 3 có tầm bắn hiệu quả lên đến 7 km và có thể tấn công mục tiêu ở độ cao lên đến 3 km. Một trong những ưu điểm nổi bật của tên lửa Mistral 3 là khả năng khóa mục tiêu vượt trội và có thể xử lý nhiều lần khi giao tranh trong môi trường có nguy cơ cao.
Việc phê duyệt dự án Mistral theo EDIRPA nêu bật cam kết của Liên minh châu Âu trong việc tăng cường an ninh tập thể và thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa các thành viên. Sáng kiến này nhằm mục đích củng cố ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu trong khi những thách thức về các mối đe dọa trên không ngày càng tăng.
Việc mua sắm chung hệ thống Mistral của 9 quốc gia tham gia sẽ đảm bảo rằng lực lượng vũ trang của họ được hưởng lợi từ công nghệ phòng không tiên tiến, tăng cường sự sẵn sàng và khả năng ứng phó với các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu. Nỗ lực hợp tác này nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến phòng thủ chung trong việc đảm bảo an toàn và chủ quyền của Liên minh châu Âu.
EDIRPA là từ viết tắt của Đạo luật Tăng cường Công nghiệp Quốc phòng châu Âu thông qua Mua sắm chung. Đây là một sáng kiến của Liên minh châu Âu, được Ủy ban châu Âu đề xuất vào năm 2022, nhằm mục tiêu:
- Hỗ trợ các quốc gia thành viên phối hợp mua sắm thiết bị quân sự, nhất là để đối phó với những thiếu hụt phát sinh từ việc viện trợ quân sự cho Ukraine.
- Tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước thành viên EU trong việc sản xuất và phát triển thiết bị quân sự.
- Giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ngoài EU bằng cách khuyến khích sản xuất nội khối.
EDIRPA đặc biệt nhấn mạnh vào việc hỗ trợ tài chính cho các dự án mua sắm chung và ưu tiên các công ty quốc phòng từ các quốc gia thành viên EU. Đây là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm xây dựng năng lực quốc phòng mạnh mẽ, tự chủ hơn cho châu Âu trong bối cảnh an ninh khu vực và toàn cầu có nhiều biến động.
Anh Tuấn (Theo Armyrecognition/Ảnh:MBDA-systems)