Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn áp thuế đối ứng với hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong 90 ngày có lẽ là một trong những thông tin tích cực nhất trong những ngày gần đây, không chỉ với nền kinh tế Việt Nam, mà với cả kinh tế toàn cầu.
Thông tin tích cực hơn là sau cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer, hai bên đã thống nhất sẽ khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế.
Mặc dù việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng là tích cực, nhưng rõ ràng, rủi ro vẫn còn đó. Kết quả cuối cùng vẫn còn phải chờ đợi vào việc đàm phán giữa hai bên. Với doanh nghiệp Việt, đây không chỉ là 90 ngày trì hoãn thuế, mà là cơ hội để chứng minh mình đủ nhanh, đủ mạnh và đủ tầm để vượt sóng lớn.
CHỦ ĐỘNG CHUẨN BỊ LÀ ĐIỀU CẤP THIẾT
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp tại Đại học Kinh tế TP.HCM, hiện có hai kịch bản mà Việt Nam có thể đối mặt. Kịch bản thứ nhất, Việt Nam sẽ bị áp thuế tương tự như các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc, Canada hay Mexico. Kịch bản thứ hai, Việt Nam chỉ bị áp thuế ở mức thấp hơn, tương đương với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường Mỹ.
Hiện nay, Việt Nam đang ở kịch bản thứ nhất và phải làm sao để cố gắng đàm phán để chuyển sang kịch bản thứ 2, hoặc ít nhất phải được mức thuế ngang bằng với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, dệt may, điện tử... đang đối mặt trực tiếp với áp lực từ chính sách thuế quan cứng rắn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vì vậy, việc chủ động chuẩn bị là điều cấp thiết.
Tuy nhiên, với quỹ thời gian 90 ngày quá ngắn, khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng là cực kỳ hạn chế. Việt Nam cần sẵn sàng cả cho kịch bản tích cực lẫn tiêu cực, để tránh bị động trước những diễn biến khó lường.
Ở góc nhìn vĩ mô, sự bất ổn khiến nhiều doanh nghiệp e dè trong việc nhận đơn hàng mới hay tuyển dụng thêm nhân lực. Viễn cảnh không rõ ràng khiến họ khó đưa ra quyết định dài hạn. Nếu chính sách thuế quan tiếp tục siết chặt, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, kéo theo hệ lụy cho hoạt động sản xuất và tăng trưởng GDP. Dù hiện tại ảnh hưởng còn hạn chế, nhưng 90 ngày tới sẽ là thời điểm then chốt để đánh giá mức độ tác động thực sự.
Một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ nội địa hóa trong hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện đang rất thấp. Hầu hết nguyên vật liệu đầu vào đều nhập khẩu, dẫn đến giá trị gia tăng Việt Nam giữ lại từ 130 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu chỉ là một phần rất nhỏ, chưa tới vài chục tỷ USD. Dòng tiền ròng thực sự chảy về Việt Nam là không đáng kể.
Muốn giảm thặng dư thương mại với Mỹ xuống 0, Việt Nam bắt buộc phải tăng tỷ lệ nội địa hóa cho hàng xuất khẩu càng sớm càng tốt để tránh trở thành ‘trạm trung chuyển” của nước thứ ba cho hàng xuất sang Mỹ. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, khu vực FDI đang chiếm tới 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị này. Trong tương lai gần, việc hợp tác với các doanh nghiệp FDI là hướng đi khả thi để tăng cường liên kết, từng bước nâng cao giá trị gia tăng nội địa.
Kết quả đàm phán có thuận lợi hay không sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta có thể thu hẹp được mức thặng dư thương mại với Mỹ về mức cân bằng hay không. Đây chính là bài toán mang tính chiến lược mà Việt Nam cần giải quyết sớm.
LINH HOẠT CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết 90 ngày hoãn áp thuế vẫn là một ẩn số đầy lo ngại. "Chúng tôi mừng khi nghe tin tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, nhưng cũng không khỏi lo lắng. Liệu trong thời gian này có thêm biến động nào nữa không? Ông Trump có rút ngắn thời gian hoãn thuế? Và nếu chúng tôi tăng tốc sản xuất thì liệu có kịp trước khi thời hạn kết thúc?", ông Tùng chia sẻ.
Không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam lo lắng, bản thân doanh nghiệp Mỹ cũng phải xoay chuyển kế hoạch kinh doanh. "Trước đây họ thường lập kế hoạch theo tháng, giờ phải cập nhật theo tuần vì chính sách có thể thay đổi liên tục", ông nói.
Để thích ứng, Vina T&T duy trì liên lạc chặt chẽ với đối tác, đồng thời linh hoạt các giải pháp ứng phó.
"Ngoài ra chúng tôi cũng san sẻ một phần lợi nhuận để bù vào phần thuế để giảm cú sốc thị trường. Đối thủ của chúng tôi chủ yếu ở thị trường Đông Nam Á, nếu mà đánh thuế thì mức thuế tương đương Việt Nam, sức cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau trên đất Mỹ cũng công bằng, không đến mức chênh lệch", ông Tùng cho hay.
Ông Tùng cho biết thêm, không phải người Mỹ nào cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để dùng hoa quả nhập khẩu khi thuế tăng. Đây là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi chuyển hướng ra thị trường khác cũng nhiều.
"Chúng tôi cũng đang xuất khẩu vào thị trường mới như Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi cũng đã mở rộng sang đây được 2 năm và đây cũng là thị trường lớn. Thời gian qua, chúng tôi đã tiếp nhiều đoàn làm việc từ Trung Quốc đến làm việc. Thị trường Mỹ chúng tôi cũng đã tìm nhiều cách để thích ứng", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, các bên đều đang liên kết với nhau để duy trì thị trường Mỹ từ doanh nghiệp bao bì đến các đơn vị cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp đều ngồi lại với nhau để có phương án đối ứng trong giai đoạn khó khăn này phải cùng nhau giảm lợi nhuận lại để khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng Mỹ, giá thành sẽ tốt hơn và cùng kỳ vọng thuế tốt hơn.
Trường hợp xấu nhất nếu thuế giữ nguyên 46% thì giá thành của doanh nghiệp cũng phải giảm 16-17% so với giá hiện nay nhờ việc liên kết các doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Sau đó tùy tình hình mà chúng tôi có điều chỉnh nhất định.
THƯƠNG CHIẾN LÀ CƠ HỘI ĐỂ DOANH NGHIỆP ĐỊNH VỊ LẠI MÌNH
Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) khuyến cáo các doanh nghiệp trong 90 ngày hoãn thuế phải chuẩn bị về quản trị xuất xứ hàng hóa, tương tự cách chứng minh xuất xứ khi xuất khẩu châu Âu (EU).
"Việt Nam có thể đàm phán biểu mẫu riêng cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ để doanh nghiệp dễ thực hiện. Với ngành gỗ, tỉ lệ nội địa hóa hơn 50% không khó khi nguyên liệu gỗ trong nước chiếm gần 60%", ông Phương tự tin.
Tuy nhiên, với nguyên phụ liệu như: vải, đệm, kim khí... hiện vẫn nhập khẩu nên cần tăng nội địa hóa ở nhóm này. Ngoài ra, ngành gỗ cũng có thể tăng nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ (350 triệu USD trên tổng số 2 - 2,2 tỷ USD nhập khẩu hằng năm) để chế biến xuất khẩu về Mỹ.
Theo Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Kết nối thời trang (Faslink), vấn đề thuế quan thực tế đã được cảnh báo từ trước và một số doanh nghiệp đã có sự chuyển mình, đặc biệt vấn đề lớn hơn của ngành là "khủng hoảng thừa" toàn cầu những sản phẩm na ná nhau.
"Thương chiến là cơ hội để doanh nghiệp định vị lại mình, chuẩn bị tâm thế thay đổi, cùng hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, hợp tác với doanh nghiệp FDI tăng hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc", bà Xuân nêu.
Riêng tại Faslink, bà Xuân cho hay thời gian qua công ty đã chủ động minh bạch chuỗi cung ứng, đi theo xu hướng thời trang bền vững, nhiều công năng, đòi hỏi công nghệ cao và khó thay thế so với thời trang nhanh.
Nguyễn Lan