CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 với doanh thu đạt hơn 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.300 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt hơn 74.000 tỷ đồng, tăng 5%, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2024.
Năm 2025, Hòa Phát đặt kế hoạch kinh doanh 170.000 tỷ đồng doanh thu và 15.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả này, tập đoàn đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Sản xuất thép tiếp tục giữ vai trò chủ lực khi chiếm gần 90% tổng doanh thu hợp nhất. Trong quý 2, sản lượng thép thô đạt 2,5 triệu tấn, tương đương quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng các sản phẩm như thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với quý 1 và 18% so với cùng kỳ 2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép thô đạt 5,1 triệu tấn, tăng 17%; sản lượng tiêu thụ đạt 5 triệu tấn, tăng 23%, trong đó riêng HRC tăng 42% so với cùng kỳ
Lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể trong 6 tháng đầu năm, với doanh thu tăng 38% và lợi nhuận sau thuế tăng 130% so với cùng kỳ.
Về hoạt động đầu tư, Hòa Phát dự kiến hoàn thành lò cao số 6 – thuộc giai đoạn 2 của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 – vào tháng 9/2025. Khi đi vào vận hành, tổng công suất thép của tập đoàn sẽ nâng lên 16 triệu tấn/năm, trong đó có 9 triệu tấn HRC, đủ đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường trong nước đối với sản phẩm này.
Ngoài ra, ngày 19/08/2025, Tập đoàn sẽ khởi công nhà máy sản xuất ray thép và thép hình đặc biệt tại Dung Quất (Quảng Ngãi), hướng đến cung ứng cho các dự án hạ tầng trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai và các tuyến metro tại Hà Nội, TP.HCM.
Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế hơn 7.600 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm, nâng sản lượng HRC lên 9 triệu tấn
Ở diễn biến khác, ngày 4/7/2025, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) chính thức đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ 6/7/2025 và kéo dài 5 năm.
Mức thuế dao động từ 23,1% đến 27,8%, áp dụng cho các sản phẩm là thép hoặc thép hợp kim (có hoặc không có hợp kim), được cán phẳng, cán nóng, có độ dày 1,2mm đến 25,4mm, chiều rộng không quá 1.880mm, chưa được xử lý bề mặt như tẩy gỉ, mạ, tráng hay phủ dầu và có hàm lượng carbon không vượt quá 0,3%. Một số mặt hàng như thép không gỉ hoặc thép cán nóng dạng tấm thuộc danh mục loại trừ.
Việc áp thuế CBPG được đánh giá là tín hiệu tích cực với các doanh nghiệp sản xuất HRC trong nước như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, mặt hàng HRC khổ rộng (trên 1.880mm) không nằm trong phạm vi áp thuế dang trở thành yếu tố rủi ro ngắn hạn đối với Hòa Phát.
Theo số liệu hải quan, trong tháng 5/2025, Việt Nam nhập khẩu hơn 181.000 tấn HRC khổ rộng (từ 1.900mm trở lên) từ Trung Quốc, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng, tổng lượng nhập khẩu đạt 430.000 tấn, gấp 12 lần cùng kỳ 2024, trong đó loại thép khổ 2.000mm chiếm gần 87%.
Các sản phẩm này chủ yếu là thép mác thông dụng như Q235B, Q355B, SAE 1006, SS400, A36… và được sử dụng như HRC truyền thống trong sản xuất tôn, ống thép, và kết cấu thép dân dụng.
Theo đánh giá của Vietcap, nếu xu hướng nhập khẩu HRC khổ rộng tiếp tục kéo dài, Hòa Phát có thể chịu áp lực tiêu thụ sản phẩm HRC trong ngắn hạn, cho đến khi phạm vi áp thuế được điều chỉnh để bao phủ dòng sản phẩm này.
Lê Vy