“Năm nay, tôi đã 99 tuổi, 78 năm tuổi Đảng, được nhìn thấy khung cảnh đất nước ta, nước Việt Nam độc lập, tự do, giàu mạnh, tươi đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc khiến tôi vô cùng xúc động, nghẹn ngào. Mặc dù, Bác Hồ đã đi xa nhưng đường lối và sự nghiệp của Bác và của Đảng đang được các đồng chí lãnh đạo tiếp tục kế thừa mạnh mẽ và hiệu quả khiến thế giới vô cùng ngưỡng mộ. Đó là công lao trời biển của Bác Hồ đối với Tổ quốc. Tình cảm và lời dạy bảo của Bác và các đồng chí Trung ương với tôi rất vô giá…”, ông Hoàng Phát Hiền từ tốn bày tỏ.
Ông Hoàng Phát Hiền vui vẻ bên các con, cháu ở tuổi 99.
Ông Hoàng Phát Hiền, 99 tuổi, từng công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng từ năm 1950.
Ở tuổi 99, ông Hoàng Phát Hiền được con cháu kính trọng, chăm sóc tỉ mỉ. Ông từ tốn, chậm rãi kể lại những câu chuyện lần đầu gặp Bác Hồ, nhận được những lời hỏi han, dặn dò chu đáo của Bác cho lớp thế hệ trẻ nghe:
“Lần đầu tiên gặp Bác, Bác hỏi: ‘Chú này lính mới, quê ở đâu, bao nhiêu tuổi?’ Tôi báo cáo với Bác: ‘Cháu sinh năm 1926’. Bác tiếp lời: Năm Bính Dần, cùng tuổi dần với Bác. Bính Dần nhưng mà con hổ ở trong cũi. Ở đây với Bác gian khổ nhưng có mấy điều phải nhớ: Phải tập thể dục rèn luyện sức khỏe, phải học văn hóa, nâng cao đạo đức, trình độ và tuyệt đối bí mật… Những lời Bác dạy khiến tôi nhớ mãi đến bây giờ”, ông Hoàng Phát Hiền hồi tưởng.
Trong những năm tháng phụng vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Hoàng Phát Hiền cũng có nhiều lần vinh dự được cắt tóc cho Bác Hồ… Ông kể, vào một buổi chiều trên Chiến khu Việt Bắc khi đang làm việc ở Văn phòng trung ương, nhận được điện thoại của đồng chí Hoàng Tùng (Chánh văn phòng đang làm việc bên Văn phòng Bác) gọi đến nói: “Hiền cắp tráp đến ngay 4” (Bí danh nơi Bác Hồ ở). Ông Hoàng Phát Hiền hiểu ngay, đến cắt tóc cho Bác Hồ.
Những tư liệu, hình ảnh quý giá cùng Bác Hồ và những người anh em được ông Hoàng Phát Hiền trân trọng lưu giữ đến hiện tại.
“Trước đó, đã có nhiều người được vinh dự cắt tóc cho Bác, họ đều là những tay kéo lành nghề. Còn tôi chỉ là một tay cắt tóc nghiệp dư, được các anh em ưu ái, đánh giá là khéo tay trong quân đội nên khi lên Văn phòng Trung ương, tôi cũng cắt tóc vụ phục vụ các anh em và được các đồng chí Lê Văn Lương, Trường Chinh… tín nhiệm”, ông Hoàng Phát Hiền bộc bạch.
Khi đó, trong lòng người cán bộ trẻ bộn bề nhiều cảm xúc, nhiệm vụ quá đột ngột, ông chưa bao giờ nghĩ tới. Ông vừa phấn khởi, vừa lo, nhưng cố gắng trấn tĩnh và mang tráp lên nơi ở của Bác. Nơi Bác ở cách Văn phòng Trung ương 3 km. Suốt dọc đường đi, ông luôn hồi hộp xen lẫn lo âu. Nếu cắt tóc không khéo, Bác không được như ý thì không hoàn thành nhiệm vụ…
“Khi bắt tay vào việc, tôi vừa làm vừa run, không biết cắt kiểu nào phù hợp với bộ râu của Bác… Khi hớt hai bên và sau gáy đã gọn, muốn ngắm xem được chưa nhưng không có gương để nhìn phía trước mặt Bác. Tôi chỉ còn biết nhìn đồng chí Hoàng Tùng, nháy mắt dò hỏi. ‘Thưa Bác, trông Bác trẻ ra đấy ạ!’ đồng chí Hoàng Tùng đỡ lời. Bác mỉm cười hiền hậu: ‘Bác chỉ cần cắt ngắn cho mát thôi”. Nghe Bác nói vậy, tôi bình tĩnh hơn và tiếp tục công việc…”, ông Hoàng Phát Hiền tâm sự.
Khi mọi việc đã xong, ông báo cáo Bác: “Cháu làm xong rồi ạ”. Bác đứng dậy vuốt mái tóc và đến bàn họp lấy một quả cam rồi nói: “Thưởng công cho chú đấy!”. Nhận được lời động viên và phần quà nhỏ của Bác, ông Hoàng Phát Hiền trở về nơi làm việc, trong lòng phấn khởi khó tả vì đã hoàn thành một nhiệm vụ chưa bao giờ nghĩ tới. Những tháng ngày sau đó, thỉnh thoảng Bác lại gọi: ‘Hiền đâu, lên cắt tóc, sửa râu cho Bác’... Từ đó, ông Hoàng Phát Hiền có nhiều cơ hội tiếp xúc, phục vụ Bác. Với ông, tình cảm với Bác giống như tình cảm cha con…
Trong cuốn sách "135 Chuyện kể về Bác Hồ" do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Phủ Chủ tịch phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn (TTXVN) biên soạn, xuất bản, ông Hoàng Phát Hiền đã chia sẻ hai câu chuyện về Bác Hồ.
Trong ký ức của ông, Bác là người giản dị trong lối sống, sinh hoạt hàng ngày. Ông thấm thía sâu sắc điều này khi ông và các cán bộ được giao nhiệm vụ chuẩn bị đồ dùng hàng ngày của Bác khi chuyển về Khu Phủ Chủ tịch. Người cán bộ đã về hưu nhớ lại những lời của Bác qua lời truyền đạt của đồng chí Trường Chinh: “Hôm qua, sau khi làm việc, Bác đã đến xem nơi anh em cho Bác về ở, thấy bên trong các phòng của căn nhà này sao mà bày biện đồ đạc, giường, tủ, bàn ghế, tách chén... sang trọng thế. Như vậy không cần thiết và tốn kém. Ta vừa tiếp quản cơ ngơi của chính quyền cũ là ‘một chiếc két rỗng’ còn biết bao việc phải chi tiêu. Nơi Bác ở cần gọn nhẹ, đơn giản thôi, chuyển những thứ Bác đã dùng ở trên chiến khu về cho Bác. Những thứ chuẩn bị cho Bác dùng, nên chuyển sang cơ quan giao tế (nhà khách của Trung ương) để phục vụ khách quốc tế. Mới về Hà Nội được một tháng mà nếp sinh hoạt giản dị của chín năm kháng chiến đã thay đổi nhanh thế sao?...”
Bước ra khỏi phòng làm việc của đồng chí Trường Chinh, mọi người lòng nặng trĩu, sau đó, một cuộc hội ý cấp tốc được mở ra: ‘Bố trí nơi Bác ở như nào cho hợp ý Bác?’. Đang lúc bế tắc nhất thì anh Dũng, bảo vệ tiếp cận của Bác nói: “Hôm đó, khi đi thăm khu nhà mới, Bác dừng lại trước một căn nhà nhỏ đơn sơ bên bờ ao, ánh mắt Người dịu dàng, trầm ngâm: ‘Căn nhà này gần ao, thoáng mát đấy nhỉ?’ Có thể Bác thích ở căn nhà này?”
Ông Hoàng Phát Hiền hoài niệm về những ngày đã qua được phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến tận bây giờ ông Hoàng Phát Hiền vẫn nhớ hình ảnh căn nhà với 3 gian đơn sơ của người thợ điện, lụp xụp, ủi xùi và tuềnh toàng… Nhưng nó lại mang một vẻ yên bình, gần gũi đến lạ kỳ: Gần ao cá, thoáng đãng, mát mẻ yên tĩnh, cửa quay hướng đông nam, chung quanh có trồng mấy khóm nhài, vài bụi hồng gai, mấy cây ớt... Sau khi xin ý kiến, tất cả mọi người thống nhất là sửa sang, nâng cấp căn nhà: Gian đầu là phòng làm việc nhìn ra ao cá, gian giữa làm phòng ăn, gian cuối làm phòng ngủ; nan giải nhất là đồ đạc trong nhà…
“Anh em chúng tôi kéo nhau lên nhà cũ của viên Toàn quyền để tìm và kiếm được một chiếc tủ cũ… Chúng tôi lại kéo nhau sang Sở Tài chính cũ của Pháp (nay là Bộ Ngoại giao), chọn được một chiếc bàn lim, chắc chắn, cổ kính, để Bác làm việc, hai chiếc ghế sa lông, một chiếc tủ áo cũ cũng bằng gỗ lim, bộ bàn ăn, tám ghế ngồi… tôi cùng một đồng chí ra khu vực gần Hàng Bạc mua chiếc giường Ba Lan, đem về kê vào nhà, Bác rất ưng…”, ông Hoàng Phát Hiền kể lại.
Năm nay đã gần trăm tuổi, ông Hoàng Phát Hiền vẫn nhớ như in từng cử chỉ, lời nói giản dị mà thấm đẫm tình cảm của Bác. Những lần được cắt tóc cho Bác, được lắng nghe lời Người dặn dò không chỉ là kỷ niệm, mà là động lực thôi thúc ông sống trọn niềm tin vào Đảng, vào con đường Bác đã chọn. Trong không khí thiêng liêng kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác, những ký ức ấy lại được ông Hoàng Phát Hiền kể cho thế hệ trẻ như một món quà thiêng liêng lan tỏa, tiếp nối hành trình tốt đẹp của Hồ Chủ tịch.
Hồng Phượng/ Báo Tin tức và Dân tộc