Mẹ chồng chăm con dâu như con ruột
Vợ chồng anh Vũ Viết Duy (SN 1990) và chị Phạm Thị Hải (SN 1995, quê Hải Dương, nay là TP Hải Phòng) kết hôn từ năm 2017.
Năm 2019, họ được mệnh danh là “cặp vợ chồng điểm 10” khi sinh đôi 1 trai – 1 gái. Năm 2024, họ một lần nữa được họ hàng, bạn bè phong cho danh hiệu “cặp vợ chồng điểm 100” khi tiếp tục sinh đôi “đủ nếp, đủ tẻ”.
Đặc biệt hơn, cả hai lần chị Hải đều có thai tự nhiên.
Chị Hải sinh 2 lần được 4 người con "đủ nếp, đủ tẻ"
Với chị Hải, hành trình trở thành mẹ của hai cặp song sinh gian nan nhưng cũng đầy hạnh phúc. Năm 2017, sau 2 tháng kết hôn, chị mang thai nhưng không may thai sinh hóa nên bị sảy.
Trong khoảng 1 năm sau đó, vợ chồng chị làm nhiều cách như thay đổi chế độ ăn uống, canh trứng tính ngày thụ thai... nhưng vẫn không “đậu thai”.
Cuối năm 2018, sau thời gian dài chờ đợi vợ chồng chị hạnh phúc đón tin vui. Ở tuần thai thứ 7, bác sĩ siêu âm thông báo đậu thai đôi, cảm xúc của chị xáo trộn.
“Tôi vui nhiều mà lo lắng cũng không ít. Năm 2018, nhà tôi nghèo lắm, hai vợ chồng thuê trọ ở Hà Nội, công việc không ổn định. Hai bên gia đình cũng không có điều kiện, tôi lo sinh hai con ra rồi lấy cái gì mà nuôi...”, chị Hải kể.
Dẫu vậy, khi nghe tiếng con khóc chào đời, chị vỡ òa hạnh phúc. Hai bên gia đình động viên nhiều, khiến chị có thêm niềm tin “giàu con là giàu của”. Chị đặt cho 2 con tên Vũ Tường Vy – Vũ Viết Khôi với mong muốn các con xinh đẹp như hoa, khôi ngô, tuấn tú.
Lần đầu làm mẹ, lại là mẹ của hai đứa trẻ, chị Hải bỡ ngỡ, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Trong hành trình nuôi con đầy vất vả, điều khiến chị biết ơn nhất là có người mẹ chồng tâm lý, thương con dâu như con ruột.
“Để mà nhớ lại những ngày đầu làm mẹ, điều tôi nhớ nhất có lẽ không phải cuộc sống quay cuồng, bù đầu chăm sóc hai đứa trẻ mà là sự đồng hành, hỗ trợ hết mức của mẹ chồng”, chị Hải nói.
Chị Hải biết ơn mẹ chồng khi đã đồng hành cùng chị suốt những năm tháng chăm con nhỏ
Chị có mẹ chồng đồng hành từ lúc lên bàn đẻ. Chị sinh thường, phải rạch tầng sinh môn, xuất viện về nhà nghỉ ngơi 10 ngày vẫn chưa hết đau. Suốt quãng thời gian đó, chị được mẹ chồng giúp rửa vết thương, bôi thuốc... Việc gội đầu, tắm rửa chị cũng được mẹ chồng hỗ trợ.
Mẹ chồng chị không quản ngại đêm hôm, ngủ cùng phòng con dâu 16 tháng liền, giúp chăm sóc hai đứa trẻ. Có những đêm dù trông cháu thấm mệt, bà vẫn dậy nấu cháo cho chị tẩm bổ.
“Mẹ chồng tôi từng là thợ thêu, không chỉ thêu đồ bán mà còn dạy nghề cho người khác. Khi tôi sinh đôi, mẹ bỏ hẳn việc giúp tôi trông con. 3 tháng đầu sau sinh, tôi ở cữ tại nhà chồng, sau đó thì đưa con ra Hà Nội, mẹ chồng tôi cũng khăn gói đi cùng”, chị Hải chia sẻ.
Hằng ngày, mẹ chồng chị phụ nấu cơm, dọn nhà, tắm rửa cho các cháu. Bà có kinh nghiệm nên chăm sóc cháu chu đáo nhưng vẫn luôn tôn trọng ý kiến của con dâu. Trong việc ăn uống, nếp sinh hoạt của hai đứa trẻ, mẹ chồng – nàng dâu cởi mở chia sẻ với nhau nên chưa từng xung đột.
“Có lần, con trai lớn của tôi lúc đó 6-7 tháng tuổi bị sốt cao, uống hạ sốt chưa đỡ ngay. Mẹ chồng tôi lo lắng, đi khắp ven đường quanh nhà tìm cây nhọ nồi về giã đắp trán cho cháu hạ sốt. Giữa phố phường Hà Nội mà mẹ tìm được cây nhọ nồi thì tôi hiểu, mẹ thương con thương cháu cỡ nào”, chị Hải kể lại.
Sinh thêm con vì thương mẹ chồng
Năm 2022, vợ chồng chị chuyển về quê sống để được gần bố mẹ. Chị thừa nhận, khi sinh được hai người con đủ trai, đủ gái, chị không có ý định sinh thêm. Mỗi khi có người khuyên đẻ nữa, chị đều quyết đoán nói “không”.
Bố mẹ chồng chị Hải bên 4 người cháu nội
Thế nhưng, sau đó chị vẫn quyết sinh thêm con bởi hiểu nỗi lòng mẹ chồng.
“Mẹ tôi thích nhà đông con, đông cháu nhưng không nói thẳng với tôi mà tế nhị chia sẻ với chị chồng tôi, nhờ chị truyền đạt. Thi thoảng, bà bế cháu hàng xóm về, chơi với hai con lớn của tôi rồi hỏi ‘cháu có thích em bé không?’.
Tôi hiểu ý mẹ và dần dần thay đổi suy nghĩ về việc sinh thêm con”, chị Hải chia sẻ.
Tháng 10/2023, Hải nhận tin vui “hai vạch”. Thai được 5 tuần tuổi, chị và gia đình ngỡ ngàng khi bác sĩ chẩn đoán là thai đôi. Tiếng lành đồn xa, người ở gần thì trực tiếp chúc mừng, người ở xa thì nhắn tin, gọi điện hỏi thăm. Ai nấy đều bất ngờ trước chuyện hai lần mang thai đôi của chị.
Có người nói với Hải: “Lần này mà tiếp tục bầu một trai, một gái nữa thì phúc lớn, gia đình đạt điểm 100”. Không ngờ, chuyện hiếm đó đã thực sự xảy ra. Ở tuần thai 20, chị biết mình mang thai đôi một trai – một gái.
“Nói thật, lần này tôi thấy sợ nhiều hơn vui. Mang thai đôi vất vả, nhiều nguy cơ thế nào tôi là người rõ nhất. Tôi sợ đủ thứ, sợ bầu khổ, sợ đẻ, sợ đau, sợ không kiếm đủ tiền nuôi con...”, Hải tâm sự.
Có hai cặp song sinh, tổ ấm của chị Hải luôn tràn ngập tiếng cười
Các con đem đến cho chị niềm hạnh phúc vô bờ
Nhờ sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của bố mẹ chồng, nỗi sợ ấy dần tan biến. Lúc thai to, đi lại nặng nề, Hải gần như ở lì trong phòng riêng trên tầng 3.
Ngày 3 bữa cơm, mẹ chồng chị nấu rồi bưng lên tận phòng cho con dâu, sau đó lại bưng xuống rửa. Có lúc sợ con dâu ăn một mình buồn, bà bê cả mâm cơm lên phòng để cả nhà cùng ăn. Những bữa cơm đầm ấm trong căn phòng nhỏ ấy là ký ức đẹp khiến chị nhớ mãi.
Hải thuận lợi sinh hai bé ở tuần thứ 35. Chị đặt tên hai con là Vũ Hạ Tường Vân và Vũ Viết Minh Khoa với mong muốn con có cuộc sống thảnh thơi và có trí tuệ.
Lần sinh nở này, Hải vẫn có mẹ chồng đồng hành. Bà có phần vất vả hơn vì phải chăm nom cả hai cháu lớn 6 tuổi. Nhìn mẹ tần tảo sớm hôm vì gia đình nhỏ của mình, chị càng biết ơn mẹ chồng. Chị cũng hiểu, phía sau sự vất vả ấy là niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ khi có đông con, đông cháu.
Gia đình Hải kể từ ngày có hai cặp sinh đôi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Các thành viên trong gia đình ăn cơm hay làm việc gì cũng đều vội vàng, bữa cơm ngày thường nhưng lại đầy ắp bát đũa và các món ăn như sắp cỗ.
Cảnh tượng dù có chút xáo trộn, đôi khi ồn ào như “ong vỡ tổ” nhưng đem đến cho bà mẹ 4 con niềm hạnh phúc không thể đong đếm.
Ảnh: NVCC
Thanh Minh