Ngày 4/7, Á hậu Nguyễn Huỳnh Kim Duyên khiến cộng đồng mạng xôn xao khi chia sẻ đã trải qua 7 ngày không ăn gì ngoài 6 chai nước dinh dưỡng và sữa hạt, giảm từ 58 kg xuống 54,5 kg.
Đoạn clip khoe vóc dáng thon gọn cùng lời khẳng định “điều gì cũng có thể làm được bằng ý chí và kiên trì” của cô đã nhanh chóng thu hút hàng loạt ý kiến trái chiều.
Nhiều người ngạc nhiên trước nỗ lực giảm cân của nàng hậu, song không ít người lo ngại liệu việc nhịn ăn liên tục như vậy có an toàn, nhất là khi nó có thể vô tình thúc đẩy trào lưu giảm cân nguy hiểm trong người trẻ.
Dù Kim Duyên đã đạt mục tiêu giảm gần 4 kg chỉ sau 7 ngày và có được vóc dáng thon gọn rõ rệt, các chuyên gia từng không ít lần khuyến cáo người trẻ không nên tự ý áp dụng chế độ nhịn ăn kéo dài theo trào lưu, bởi tác hại tiềm ẩn có thể lớn hơn lợi ích, đặc biệt nếu không được theo dõi y tế.
Hình ảnh đăng tải vào tháng 12/2024 (trái) và tháng 6/2025 của Kim Duyên. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Kim Duyên/Facebook.
"Có người đã chết vì nó"
Không chỉ Kim Duyên, nhiều ngôi sao quốc tế cũng từng áp dụng phương pháp nhịn ăn hoặc chế độ ăn khắc nghiệt để giảm cân cấp tốc, nhưng chính họ hoặc các chuyên gia y tế đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của các phương pháp này.
Năm 2024, nữ diễn viên Trung Quốc Lưu Diệc Phi gây chú ý khi tiết lộ đã giảm 6,5 kg chỉ trong 5 ngày với một thực đơn nghiêm ngặt tương tự chế độ ăn Keto (cũng được Kim Duyên đề cập trong bài đăng của mình), cắt giảm gần như toàn bộ tinh bột.
Chế độ ăn kiêng của Lưu Diệc Phi chia thành 5 ngày với thực đơn “siêu đơn điệu”: chỉ ăn trứng luộc hoặc trứng chiên trong ngày đầu, chỉ uống đồ uống ít calo ngày thứ hai, tập trung thịt ở ngày thứ ba, chỉ ăn trái cây ít đường ở ngày thứ tư và rau củ không tinh bột ở ngày cuối.
Lưu Diệc Phi từng giảm 6,5 kg trong 5 ngày. Ảnh: Vogue.
Bác sĩ Yang Zhiwen từ phòng khám Xiaozhou Early Day nhận định đây là một chế độ ăn hiệu quả cho “giảm cân khẩn cấp” nhờ cắt giảm mạnh calo, nhưng cũng cảnh báo phương pháp này có thể gây chóng mặt, mất tập trung, đặc biệt với những người quen ăn nhiều tinh bột.
Tương tự, nam diễn viên Rohit Roy từng gây sốc khi chia sẻ đã giảm 16 kg chỉ trong 25-26 ngày bằng cách “chỉ uống nước” để chuẩn bị cho vai diễn trong bộ phim Shootout at Lokhandwala (2007).
Trong một cuộc phỏng vấn, anh thừa nhận: “Tôi đã theo một chế độ ăn thực sự ngu ngốc, và tôi sẽ không bao giờ làm lại. Tôi mất 16 kg chưa tới một tháng, chỉ uống nước, rất khắc nghiệt”. Rohit còn cảnh báo: “Chế độ ăn này rất nguy hiểm. Tôi biết một số diễn viên khác cũng thử kiểu ăn kiêng này và có người đã chết vì nó”.
Một trường hợp khác là Chủ tịch UFC Dana White, người đã công khai chia sẻ trên Instagram về việc nhịn ăn 86 giờ liên tục chỉ uống nước. White tuyên bố cảm thấy “như siêu nhân” và tin rằng nhịn ăn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư, Alzheimer và nhiều bệnh khác.
Tuy nhiên, theo Men’s Health, dù nhịn ăn ngắn hạn có thể giúp giảm cân nhanh, nhưng phần lớn trọng lượng mất đi là nước và khối cơ nạc chứ không phải mỡ thực sự. Các nghiên cứu chỉ ra khoảng 2/3 trọng lượng giảm trong nhịn ăn kéo dài đến từ khối cơ, điều này gây lo ngại vì mất cơ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài.
Các chuyên gia cũng lưu ý, việc tái ăn sau khi nhịn ăn kéo dài dễ dẫn đến ăn bù, khiến cơ thể nhanh chóng tăng cân trở lại. Đặc biệt, người mắc bệnh nền, trẻ em, người già hoặc phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên áp dụng nhịn ăn kéo dài mà không có chỉ định và giám sát y tế.
Nghiên cứu về việc nhịn ăn 7 ngày
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Metabolism tháng 3/2024, khi cơ thể trải qua nhịn ăn hoàn toàn (chỉ uống nước) trong 7 ngày, quá trình trao đổi chất sẽ thay đổi mạnh mẽ. Trong vòng 72 giờ đầu, cơ thể bắt đầu sử dụng mỡ dự trữ để chuyển hóa thành năng lượng, dẫn đến giảm cân nhanh chóng. Trung bình người tham gia nghiên cứu mất khoảng 5,7 kg cả khối lượng mỡ và cơ.
Đồng thời, các nhà khoa học phát hiện sự thay đổi đáng kể nồng độ protein ở các cơ quan, bao gồm cả cấu trúc neuron trong não. Một số protein hỗ trợ chức năng tế bào thần kinh tăng lên, cho thấy nhịn ăn có thể tạo ra những thay đổi tích cực về mặt sinh học.
Tiến sĩ Claudia Langenberg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y học Chính xác thuộc Queen Mary University of London, cho biết: “Lần đầu tiên, chúng tôi có thể quan sát được những thay đổi ở cấp độ phân tử khắp cơ thể khi con người nhịn ăn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy nhịn ăn có thể mang lại lợi ích sức khỏe vượt ngoài tác dụng giảm cân, nhưng những thay đổi này chỉ xuất hiện sau ít nhất ba ngày hạn chế calo hoàn toàn - muộn hơn so với những gì chúng tôi từng nghĩ trước đây”.
Nhiều chuyên gia y tế từng cảnh báo về các trào lưu giảm cân nhanh chóng, cực đoan. Ảnh: The New York Times.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh nhịn ăn kéo dài chỉ nên thực hiện dưới sự giám sát y tế. Tiến sĩ Maik Pietzner, đồng tác giả nghiên cứu, cảnh báo: “Nhịn ăn không phải là lựa chọn khả thi cho những người đang có vấn đề sức khỏe. Chúng tôi hy vọng phát hiện này sẽ giúp lý giải vì sao nhịn ăn có thể hữu ích trong một số trường hợp, từ đó phát triển các liệu pháp phù hợp hơn với từng bệnh nhân”.
Nghiên cứu cũng cho thấy, ngoài giảm cân, nhịn ăn ngắn hạn có thể hỗ trợ cải thiện chỉ số huyết áp, giảm viêm và tăng cường quá trình tái chế tế bào (autophagy).
Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như mất khối cơ, rối loạn nội tiết, mất kinh, rụng tóc, suy giảm chức năng tiêu hóa, dễ dẫn đến hạ đường huyết và mất cân bằng điện giải. Đặc biệt, nhịn ăn kéo dài mà không bổ sung dinh dưỡng đúng cách có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Healthline cũng khuyến cáo phương pháp nhịn ăn bằng nước không nên kéo dài quá 24 đến 72 giờ nếu không có chỉ định và giám sát y tế, vì dễ dẫn đến tình trạng mất nước, mất cơ, suy dinh dưỡng.
Để giảm cân an toàn và bền vững, các chuyên gia khuyên nên lựa chọn chế độ ăn cân bằng, duy trì vận động đều đặn, kết hợp lối sống lành mạnh thay vì các phương pháp giảm cân cực đoan, dễ để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe lâu dài.
Lê Vy