Đảo Adak, nơi đặt một cứ hải quân cũ của Mỹ tại Alaska, bất ngờ thu hút lại sự chú ý từ giới quân sự sau nhiều năm bị bỏ hoang. Nơi đây có thể sẽ được hồi sinh như một trung tâm chiến lược nhằm kiềm chế tham vọng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.
Theo trang tin chuyên về quốc phòng của Mỹ Task & Purpose, Lầu Năm Góc đang xem xét việc khôi phục đảo Adak như một căn cứ quân sự tiền tuyến trong cuộc đua địa chính trị mới ở vùng cực Bắc của Trái Đất.
Đảo Adak trên bản đồ. Ảnh: Google, NASA
Căn cứ “ma” có giá trị vàng về địa chính trị
Từng là tiền đồn quân sự của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh rồi lại trở thành một “thị trấn ma”, Adak đang dần trở lại tâm điểm chiến lược.
Adak nằm ở cực Tây của chuỗi đảo Aleutian (Alaska) và là thị trấn cực Nam của bang Alaska. Vị trí địa lý của đảo đặc biệt đáng chú ý: cách Anchorage khoảng 1.900km về phía Tây Nam và nằm gần như chính giữa khoảng cách từ đất liền Mỹ đến Nga.
Ban đầu là quê hương của người bản địa Unangan, vai trò chiến lược của Adak bắt đầu từ Thế chiến II, khi hòn đảo này trở thành tiền đồn của Mỹ sau khi Nhật Bản đánh chiếm các đảo Attu và Kiska. Được củng cố để đối phó cuộc tiến công từ Nhật Bản và sau đó được tái sử dụng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Adak đóng vai trò thiết yếu trong việc giám sát tàu ngầm Liên Xô tại vùng biển Bắc Thái Bình Dương. Vào thời kỳ nhộn nhịp nhất, Adak là nơi đặt một căn cứ của Hải quân Mỹ và có dân số lên tới 6.000 người.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, tầm quan trọng chiến lược của Adak dần mờ nhạt. Căn cứ bị đóng cửa năm 1993 và hoàn toàn ngừng hoạt động vào năm 1997. Dân số sụt giảm mạnh và đến năm 2023 chỉ còn khoảng 154 cư dân.
Dù hoang tàn, Adak vẫn giữ nguyên giá trị chiến lược. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện đầu tháng này, Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định vị trí của Adak mang lại cho Mỹ lợi thế cả về thời gian và không gian để ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng xâm nhập từ Bắc Cực.
Tại sao lại là Adak? Tại sao lại là bây giờ?
Khi hiện tượng ấm lên toàn cầu làm tan chảy băng biển Bắc Cực, khu vực này đang nhanh chóng mở ra những tuyến hàng hải mới và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên quý giá như dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản hiếm. Biến đổi khí hậu đã châm ngòi cho một cuộc đua địa chính trị nhằm giành ảnh hưởng ở vùng cực Bắc – và Adak một lần nữa trở thành tâm điểm.
Nằm ngay trên tuyến hàng hải Vòng Tròn Lớn, cung đường biển ngắn nhất nối liền Bắc Mỹ và châu Á, nơi Hạm đội Thái Bình Dương của Nga thường xuyên qua lại, Adak có vị trí chiến lược lý tưởng để kiểm soát khu vực.
Các lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ, trong đó có Đô đốc Paparo, đã ủng hộ việc tái khởi động căn cứ như một phần trong chiến lược Bắc Cực rộng lớn hơn. Việc hồi sinh Adak sẽ giúp mở rộng khả năng tuần tra và trinh sát hàng hải tại khu vực lên gấp 10 lần. Đây là điều đặc biệt quan trọng khi các hoạt động quân sự hiện tại trong khu vực thường bao gồm hành trình bay dài hàng ngàn km và cần tiếp nhiên liệu trên không.
Thượng nghị sĩ Alaska, Dan Sullivan, người đã tích cực thúc đẩy Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng tại Alaska, gọi Adak là “cánh cổng vào Bắc Cực”, nhấn mạnh rằng đảo này chỉ cách Hawaii khoảng 1.600km về phía Tây.
Dù đã ngưng hoạt động hơn hai thập kỷ, cơ sở hạ tầng của Adak vẫn còn khá nguyên vẹn: 2 đường băng dài 2.400m đủ sức đón mọi loại máy bay trong kho vũ khí Mỹ kể cả B-52, 3 cầu cảng, một nhà chứa máy bay lớn và kho chứa nhiên liệu lên đến 22 triệu gallon.
Hiện Hải quân Mỹ đang xem xét nhiều phương án để tái sử dụng Adak, từ nâng cấp tối thiểu để sử dụng trong tình huống khẩn cấp cho đến xây dựng lại căn cứ quy mô lớn, hoạt động thường trực.
Người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) cho biết, việc tái thiết Adak thành một căn cứ hoạt động thường trực sẽ tăng cường đáng kể khả năng phản ứng nhanh đối với các mối đe dọa từ cả Bắc Cực lẫn Thái Bình Dương nhờ vào “vị trí chiến lược độc đáo” của hòn đảo.
Chiến trường “Lạnh” mới
Trong những năm gần đây, Mỹ đã tái khẳng định sự hiện diện tại Thái Bình Dương bằng việc khôi phục nhiều căn cứ quân sự từ thời Thế chiến II như sân bay của Thủy quân Lục chiến trên Peleliu (Palau), căn cứ không quân tại Tinian (Quần đảo Bắc Mariana), và Northwest Field (Guam). Việc hồi sinh Adak sẽ là một phần mở rộng hợp lý trong chiến lược đó và lần này là ở phía Bắc.
Ngay cả khi chưa có kế hoạch cụ thể để mở lại căn cứ theo mô hình chính thức, Đô đốc Paparo cho biết máy bay chiến đấu thế hệ 5 đóng tại Alaska sẽ hoạt động từ Adak trong cuộc tập trận Northern Edge vào mùa hè năm nay. Trước đó, năm 2019, gần 3.000 thủy thủ và lính thủy đánh bộ đã tham gia cuộc tập trận Arctic Expeditionary Capabilities tại Adak để kiểm tra năng lực hậu cần viễn chinh trong môi trường khắc nghiệt.
Từng là biểu tượng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tiền đồn Adak giờ đây có thể một lần nữa được đánh thức để trở thành pháo đài chiến lược của Mỹ trong thế kỷ 21. Hòn đảo gió lộng này dường như lại chuẩn bị sẵn sàng đứng nơi tuyến đầu của cuộc cạnh tranh toàn cầu tại Bắc Cực, một trong những khu vực địa chính trị khắc nghiệt nhất hành tinh.
Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Eurasian Times, Task&Purpose