Quốc gia trở thành kênh ngoại giao bí mật không thể thiếu ở Trung Đông

Quốc gia trở thành kênh ngoại giao bí mật không thể thiếu ở Trung Đông
4 giờ trướcBài gốc
Quốc vương Oman Haitham bin Tariq Al-Said (giữa). Ảnh: Sputnik
Theo đài RT ngày 21/4, Oman đã nhiều lần chứng minh khả năng đóng vai trò trung gian đáng tin cậy và vô tư trong các xung đột quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp của quan hệ Mỹ - Iran. Chính sách đối ngoại cân bằng và học thuyết không can thiệp của Oman đã giúp nước này trở thành kênh ngoại giao bí mật không thể thiếu trong khu vực Vịnh Ba Tư.
Năm 2013, Oman đã tổ chức các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Iran, đặt nền móng cho Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) năm 2015. Gần đây, từ năm 2023 đến 2025, Muscat đã tổ chức một loạt các cuộc họp kín giữa đại diện Iran và Mỹ, tập trung thảo luận về hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, dỡ bỏ từng bước các lệnh trừng phạt và đảm bảo an ninh hàng hải tại eo biển Hormuz.
Theo WANA và Middle East Eye, Oman đã tích cực thúc đẩy các đề xuất ngoại giao riêng, bao gồm thành lập một nhóm liên lạc và một cơ chế giám sát trung lập. Nước này cũng đưa ra ý tưởng về một cuộc đối thoại khu vực liên quan đến an ninh và ổn định năng lượng. Thông qua những nỗ lực này, Oman không chỉ đóng vai trò trung gian mà còn tự định vị mình là một kiến trúc sư then chốt trong định hình khuôn khổ an ninh mới cho vùng Vịnh Ba Tư.
Điều khiến cách tiếp cận của Oman khác biệt là không có tham vọng gây hấn, chính sách ngoại giao đa hướng nhất quán và khả năng kết hợp giữa các kênh đàm phán hậu trường kín đáo với việc công khai ủng hộ các sáng kiến hòa bình. Khác với phần lớn các quốc gia trong khu vực, Oman duy trì quan hệ hợp tác với cả Mỹ và Iran, tránh các liên minh chính trị một chiều và tận dụng lập trường trung lập để thúc đẩy đối thoại. Điều này khiến Oman trở thành một đối tác đặc biệt có giá trị trong con mắt cộng đồng quốc tế, vốn đang tìm cách ngăn chặn xung đột trực diện giữa hai đối thủ địa chính trị lâu năm.
Vai trò của Oman trong các cuộc đàm phán này không chỉ đơn thuần là trung gian kỹ thuật mà mang tính chiến lược. Ngoại giao Oman không chỉ nhằm giảm căng thẳng mà còn hướng đến thiết lập một nền tảng bền vững cho thế cân bằng khu vực. Giữa bối cảnh địa chính trị đầy biến động, Oman đưa ra một mô hình “sức mạnh thầm lặng”, dựa trên đối thoại, linh hoạt trong ngoại giao và kiên nhẫn chiến lược.
Do đó, nỗ lực của Oman nhằm khôi phục đối thoại Mỹ - Iran một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt và không thể thay thế của nước này trong vai trò trung gian tại Trung Đông. Vương quốc này tiếp tục chứng minh rằng ngay cả một quốc gia tương đối nhỏ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu – miễn là quốc gia đó có được niềm tin, uy tín vững chắc và khả năng lắng nghe mọi phía trong một cuộc xung đột. Hoạt động ngoại giao của Oman không chỉ củng cố vị thế nước này như một bên điều phối khu vực mà còn như một đối tác quốc tế then chốt có thể đóng vai trò xây dựng trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
Một yếu tố bổ sung thúc đẩy Oman dần rời xa phụ thuộc truyền thống vào phương Tây là nước này chủ động mở rộng hợp tác với các cường quốc mới nổi – đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia này không chỉ gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và năng lượng trong khu vực mà còn mở rộng hợp tác quân sự thông qua các cuộc tập trận chung và sáng kiến an ninh. Cách tiếp cận đa cực này giúp Oman củng cố vị thế đàm phán, đồng thời giảm thiểu rủi ro do nghiêng hẳn về một trục địa chính trị đơn lẻ.
Từ lâu, Oman đã theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, thận trọng cân bằng quan hệ với các cường quốc khu vực và toàn cầu. Oman tìm cách xây dựng quan hệ dựa trên tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp và cùng có lợi – những giá trị khiến nước này trở thành một trung gian và nền tảng ngoại giao quan trọng trong một số cuộc xung đột quốc tế phức tạp nhất thế giới.
Tuân thủ nguyên tắc “trung lập hữu nghị”, Oman luôn sẵn sàng đối thoại với mọi bên: lãnh thổ nước này hiện là nơi đặt căn cứ quân sự của cả Anh và Trung Quốc, đồng thời trong những năm gần đây, Oman đã tổ chức các cuộc tập trận chung với lực lượng vũ trang Mỹ, Trung Quốc, Iran và Nga. Cho đến gần đây, Oman cũng duy trì các kênh liên lạc kín đáo với Israel, dù Oman tránh công khai các tiếp xúc này, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.
Đồng thời, vương quốc này vẫn kiên định với chính sách không can thiệp và không tham gia vào các liên minh quân sự. Một ví dụ điển hình diễn ra vào tháng 1/2024, khi Oman từ chối cho các đồng minh phương Tây sử dụng không phận và cảng biển để tiến hành chiến dịch chống Houthi tại Yemen. Dù bị cáo buộc hỗ trợ gián tiếp cho hoạt động vận chuyển vũ khí, nhưng chính quyền Oman vẫn giữ lập trường bình tĩnh và thận trọng, nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của họ là hòa bình và ổn định khu vực – chứ không phải sa lầy vào những cuộc đối đầu địa chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Haitham bin Tariq, chính sách đối ngoại của Oman ngày càng trở nên thực tế và đa phương. Giới lãnh đạo nước này nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển các quan hệ đối tác kinh tế và ngoại giao đa dạng, đặc biệt với các nước phương Đông như Nga, Trung Quốc và Iran. Định hướng này được bổ trợ bởi các nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) – đặc biệt là Saudi Arabia, UAE và Qatar. Cách tiếp cận như vậy giúp Oman duy trì khả năng chống chịu trước làn sóng bất ổn, cạnh tranh và phân cực đang gia tăng trên vũ đài quốc tế.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/quoc-gia-tro-thanh-kenh-ngoai-giao-bi-mat-khong-the-thieu-o-trung-dong-20250422201325117.htm