"Quân đội Ai Cập có kho vũ khí trang bị đa dạng và hiện đại, trong đó bao gồm hệ thống phòng không tầm xa HQ-9B rất tiên tiến do Trung Quốc sản xuất".
Chuyên gia quân sự, Thiếu tướng đã nghỉ hưu của lực lượng vũ trang Ai Cập - ông Samir Farag đã phát biểu như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn và thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Nguyên nhân bởi thông báo này chính là lời xác nhận chính thức đầu tiên về việc Quân đội Ai Cập đã có tổ hợp HQ-9B do Trung Quốc sản xuất trong thành phần tác chiến, đây được coi là một trong những hệ thống vũ khí phòng không tiên tiến nhất thế giới.
Bước đi trên cho thấy mong muốn của Cairo trong việc đa dạng hóa trang bị vũ khí và tăng cường khả năng phòng thủ bằng các hệ thống tiên tiến, tránh phụ thuộc vào Nga hay Mỹ.
Ông Farag trích dẫn tính năng kỹ chiến thuật từ một tạp chí quân sự chuyên ngành và lưu ý rằng HQ-9B sẽ làm tăng đáng kể khả năng chống lại các mối đe dọa trên không của lực lượng vũ trang nước này.
Hệ thống phòng không tầm xa HQ-9 do Tập đoàn CPMIEC của Trung Quốc phát triển, có khả năng phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật ở tầm xa lên tới 260 km và độ cao tối đa 30 km.
Phiên bản HQ-9B được vị chuyên gia đánh giá rất cao khi được nâng cấp đáng kể, cho phép nó đối phó hiệu quả với nhiều thách thức khác nhau, khiến tổ hợp này trở thành một yếu tố quan trọng đối với chiến lược quốc phòng của Ai Cập.
Thông báo của ông Farag gây ra bất ngờ thú vị bởi trước đó thông tin về sự hiện diện của HQ-9B trong kho vũ khí của Ai Cập vẫn chỉ dừng lại ở mức tin đồn, chưa được xác nhận chính thức.
Việc tiết lộ dữ liệu này diễn ra trùng với thời điểm Trung Quốc trình diễn những tiến bộ mới nhất về lĩnh vực phòng không và không quân của mình.
Theo thông tin do Bộ Tư lệnh Quân khu Trung tâm Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết vào tháng 8/2024 và được Thời báo Hoàn cầu trích dẫn, phiên bản mới của HQ-9B đã nhận được những cải tiến đáng kể.
Mỗi xe bệ phóng hiện có thể mang tới 8 tên lửa đất đối không hạng nhẹ và nhỏ gọn, tăng gấp đôi sức chứa so với trước đây (bao gồm 4 tên lửa tầm xa kích thước lớn hơn).
Bản nâng cấp này làm tăng tính linh hoạt của hệ thống, cho phép chống lại cả các mối đe dọa tầm xa và tầm gần, đặc biệt có liên quan trong bối cảnh xung đột hiện đại, liên quan đến máy bay không người lái và vũ khí chính xác.
Thông tin bổ sung từ các nguồn mở cũng cho thấy mức độ hợp tác quân sự giữa Ai Cập và Trung Quốc. Năm 2023, tờ Army Recognition đưa tin Cairo đang đàm phán để mua các hệ thống phòng không của Bắc Kinh, bao gồm phiên bản xuất khẩu của HQ-9 có tên FD-2000.
Mặc dù chưa có hợp đồng chính thức nào được công khai, các chuyên gia cho rằng việc giao hàng đã bắt đầu như một phần trong nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Ai Cập trước đây phụ thuộc vào vũ khí của Liên Xô, sau đó là Nga và Mỹ, nhưng Cairo đã tích cực mở rộng quan hệ với Bắc Kinh trong những năm gần đây, được thể hiện rõ qua sự tham gia rộng rãi của các công ty Trung Quốc vào quá trình hiện đại hóa quân đội nước này.
Việt Dũng
Theo Army Recognition