Cú hích từ Nghị quyết 68...
Như chúng ta đã biết, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 51% vào GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
"Tư nhân - nếu được khơi thông và bảo vệ, chính là nguồn lực thực tiễn lớn nhất để kiến tạo một xã hội hài hòa và công bằng theo đúng tinh thần chủ nghĩa xã hội Việt Nam" - TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định.
Trước thực tế này, ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp và vào năm 2045 có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP... Theo các doanh nghiệp, các mục tiêu này không chỉ có tính khích lệ mà còn mở rộng "sân chơi" cho làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp...
Agribank tự hào là nhà đầu tư lớn của khu vực "Tam nông". Ảnh: Đức Kiên
Như vậy, từ chỗ là "một động lực quan trọng" được xác định trong Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017; nay Nghị quyết 68 đã đưa kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia". Đây là dấu mốc quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc xác định chiến lược phát triển quốc gia; tháo gỡ các rào cản, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng để khu vực tư nhân phát triển hiệu quả và bền vững. Nghị quyết 68 không chỉ nhấn mạnh về mặt định hướng chính sách mà còn đặt ra yêu cầu cụ thể đối với hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và cả hệ thống ngân hàng, tài chính, trong đó có vai trò quan trọng của các ngân hàng thương mại đối với việc tiếp sức cho kinh tế tư nhân phát triển.
Nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68, sáng 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với cá nhân; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tăng hỗ trợ đất đai, mặt bằng kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp; cho vay vốn rẻ là những chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.
Và trợ lực quan trọng từ Agribank
Khẳng định một lần nữa về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho rằng, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và Agribank, với vai trò là ngân hàng thương mại chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.
Hiện nay, tổng dư nợ của Agribank đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó hơn 60% được phân bổ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân với nhóm khách hàng chủ yếu là hộ kinh tế tư nhân. Đặc biệt, trong gần 500.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân, có tới 90% thuộc về doanh nghiệp tư nhân.
"Những con số cụ thể này có thể thấy rõ cam kết và định hướng nhất quán của Agribank trong việc đồng hành, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển" - bà Phùng Thị Bình nhấn mạnh.
Bà Phùng Thị Bình chia sẻ thêm, theo kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao, năm 2025 Agribank được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13%; tương ứng sẽ có khoảng 230.000 tỷ đồng được đưa vào lưu thông. Trong số vốn này, Agribank xác định chủ yếu sẽ cho vay với khách hàng là khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, để cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước hết cần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính, đặc biệt là sổ sách kế toán, đồng thời củng cố năng lực quản trị. Đây là điều kiện để ngân hàng đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động và mức độ tin cậy của doanh nghiệp, từ đó sẵn sàng đồng hành và cung cấp nguồn vốn phù hợp.
Về phía tổ chức tín dụng, Agribank khẳng định luôn dành nguồn lực hỗ trợ kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, năm 2024, ngân hàng đã triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi, phần lớn trong số đó hướng đến nhóm khách hàng thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Ngay từ đầu năm 2025, Agribank đã đưa vào triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho nhiều nhóm đối tượng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực then chốt như xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, Agribank cũng mở rộng cho vay tiêu dùng và hỗ trợ hộ kinh doanh.
"Điều này thể hiện rõ vai trò của Agribank trong việc tiếp sức cho các động lực tăng trưởng kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã xác định" - bà Phùng Thị Bình nói.
Có thể thấy, trong tín dụng tư nhân, vai trò của Agribank thể hiện rõ qua việc hỗ trợ hộ sản xuất và doanh nghiệp nông nghiệp. Trên thực tế, Agribank là ngân hàng có tỷ trọng cho vay khu vực "Tam nông" lớn nhất, chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Đây là khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nông thôn Việt Nam. Đồng thời, mạng lưới chi nhánh của Agribank phủ tới vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng trong phổ cập dịch vụ tài chính tới mọi người dân, kể cả những người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đức Kiên