Một số lãnh đạo doanh nghiệp, VCCI, chuyên gia kinh tế đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc xung quanh vấn đề này:
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Triển khai Nghị quyết là giải pháp doanh nghiệp mong từ kết quả điều tra của PCI
Việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024 có ý nghĩa trong bối cảnh, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những chính sách quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển KTTN.
Hai Nghị quyết tập trung vào việc cần phải cải cách thể chế, hệ thống văn bản pháp luật, từ xây dựng đến thực hiện, đây được xem là "đột phá của đột phá". Chỉ số PCI đã đánh giá mức độ thực thi của các chính sách này trong thực tiễn. Chẳng hạn chúng ta có Luật Đất đai, nhưng rõ ràng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hoặc vướng mắc về tiếp cận vốn.
Các nhà đầu tư, nhà thầu, công nhân đang nỗ lực ngày đêm thi công, bảo đảm mục tiêu thông tuyến 2 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng trong năm 2025.
Thời gian tới, những chính sách cụ thể đã được chỉ đạo trong Nghị quyết 66, tôi tin sẽ mang lại hiệu ứng tích cực. Đối với Nghị quyết 68, PCI chính là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tại 63 tỉnh thành phố dưới cấp cơ sở, những mong muốn, vướng mắc, doanh nghiệp tư nhân gặp phải được thể hiện rõ trong bộ công cụ PCI. Hy vọng, kết quả điều tra của PCI lần này sẽ cung cấp nhiều thông tin cho chính quyền tỉnh, thành phố, cho các bộ, ngành trong hoạt động kinh doanh, từ đó việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách trong thời gian tới.
Theo kết quả điều tra của 10.000 doanh nghiệp trên cả nước, PCI 2024 đã thể hiện mối lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp về khó khăn trong tiếp cận đất đai hay thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, chi phí tuân thủ pháp luật gia tăng trở lại, sự suy giảm tính năng động của bộ máy chính quyền địa phương...
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái:
Sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thời gian qua, cùng một lúc có 4 Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ liên quan tới phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) cho thấy, sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ rất lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan triển lãm Những thành tựu trong phát triển KTTT và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: TTXVN
Những doanh nghiệp “đầu tàu” trong lúc này nên thể hiện vai trò tiên phong, hưởng ứng bằng những hành động cụ thể. Ngay sau khi có Nghị quyết 68, Phú Thái đã có những kế hoạch, làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) để họ có cơ hội phát triển tốt hơn. Phú Thái là Tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu của Việt Nam với 50 đơn vị thành viên, đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghiệp, máy móc, hàng tiêu dùng, người, giáo dục, phân phối, bán lẻ, công nghệ số… Vì vậy, sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho SMEs sẽ hiệu quả.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái trả lời phỏng vấn của Phóng viên Báo Tin tức và Dân tộc.
Trong 9 năm tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ, đào tạo cho rất nhiều SMEs, theo đó sẽ hỗ trợ toàn diện cho 300 SMEs, góp phần giúp họ phát triển nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong số 300 SMEs này, Phú Thái sẽ chọn lọc khoảng gần 100 doanh nghiệp để đầu tư trực tiếp. Hiện, Phú Thái có Hội đồng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại Lễ Công bố chiến lược phát triển mới với tầm nhìn đến năm 2033 mới đây của Phú Thái, chúng tôi đã thông tin liên lạc trên website để các doanh nghiệp nắm được việc hợp tác đầu tư; cơ hội nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ kết nối với VCCI, các Hiệp hội để lan tỏa hoạt động này.
Đối với việc kết nối, hỗ trợ vốn cho SMEs, thời gian qua, Chính phủ đã nói nhiều về nguồn tiền nằm trong ngân hàng lớn nhưng tốc độ giải ngân chưa được như kỳ vọng, SMEs vẫn khó tiếp cận do không thể đáp ứng các điều kiện vay theo cách truyền thống của ngân hàng. Tuy nhiên, khi có sự tham gia, cố vấn, hậu thuẫn, giám sát và quản trị trực tiếp từ Phú Thái, nhiều SMEs sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn khả thi hơn, từ đó nắm bắt được cơ hội phát triển. Đây cách tiếp cận vốn kiểu mới, góp phần giúp cho cả hệ thống tín dụng được phát triển tốt hơn. Phú Thái cũng mong muốn Chính phủ có nguồn ngân sách hợp lý để Tập đoàn tham gia cùng cũng như hỗ trợ các SMEs tiềm năng có thể vay được vốn kịp thời.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Phó Chủ tịch Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang:
Bãi bỏ các quy định không phù hợp
Ông Nguyễn Hữu Thập, Phó Chủ tịch Hiệp hội Pháp chế doanh nghiệp Việt Nam
Để đưa Nghị quyết 66 và 68 vào được cuộc sống, các doanh nghiệp kiến nghị cần được gỡ những vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật, doanh nghiệp cần chứ không phải chỉ cắt giảm thủ tục hành chính mà cơ quan quản lý Nhà nước muốn. Có như vậy mới hiệu quả và thiết thực cho doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách từ Đảng nhà nước và Chính phủ.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản kiến nghị gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 nhằm bãi bỏ thủ tục chấp thuận hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước. Đề xuất này vừa được Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét.
Hệ thống pháp luật đã có đủ các quy định chuyên ngành nghiêm ngặt, gồm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, cùng nhiều văn bản liên quan đến phòng cháy chữa cháy và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những quy định này đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ và hiệu quả trong quản lý hoạt động đầu tư. Khi nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, họ hoàn toàn có quyền triển khai dự án mà không cần thêm một bước “xin chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Việc duy trì thủ tục này chỉ làm gia tăng chi phí hành chính, kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư từ 2 đến 5 năm, thậm chí nhiều hơn; đồng thời gây ra sự trùng lặp trong công tác thẩm định. Ước tính, nếu thủ tục này được bãi bỏ, thời gian xử lý các hồ sơ đầu tư có thể giảm từ 30 đến 50%, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Ông Lại Hoàng Dương, Giám Đốc R&D, Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng:
Ông Lại Hoàng Dương, Giám Đốc R&D, Công ty CP Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng tham dự tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66 và 68 về phát triển KTTN.
Tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"
Điều doanh nghiệp mong là các giải pháp phải được phân cấp rõ ràng, có cơ chế giám sát thực thi chặt chẽ để tránh tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Chúng tôi cần sự nhất quán giữa Trung ương và địa phương trong thực hiện chủ trương, từ cấp phép, hỗ trợ vốn đến việc tiếp cận hạ tầng dữ liệu số.
Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng rằng các chính sách sẽ đi vào thực tiễn, mang lại môi trường kinh doanh minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp; thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị và mở rộng liên kết chuỗi giá trị.
Một số điểm nổi bật của Nghị quyết như: Xóa bỏ rào cản hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D); đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận công nghệ mới; tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu hơn 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
Quốc hội nên có Nghị quyết về Chương trình hành động cải cách lập pháp
Chính phủ đặt kế hoạch cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, chi phí, điều kiện kinh doanh ngay năm nay. Năm 2025, phải rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, chúng ta cần phải có một “Tổng công trình sư”.
Tất cả những điểm nghẽn đối với sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp hiện nay, nếu chỉ cải cách và áp dụng Chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) cho Bộ máy hành pháp như thời gian qua là không đủ. Theo tôi, cần phải cải cách triệt để và đồng bộ hệ thống Tư pháp và các thủ tục Tư pháp liên quan đến môi trường kinh doanh. Quốc hội nên có một Nghị quyết về Chương trình hành động cải cách lập pháp, cải cách các thể chế và pháp luật đồng bộ nói chung.
Bài, chùm ảnh, video: M.Phương - L.Sơn/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/huong-ung-nghi-quyet-68-bien-cam-ket-thanh-hanh-dong-20250524194956056.htm