Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh từng được biết đến như một địa phương thuần nông, với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Thế nhưng, chỉ trong chưa đầy một thập kỷ, nông nghiệp Tây Ninh đang dần khoác lên mình chiếc áo mới - hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, và đặc biệt là có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao.
Lợi thế tự nhiên và quyết tâm chính trị
Tây Ninh có thế mạnh rõ rệt về phát triển nông nghiệp khi sở hữu tài nguyên đất đai rộng lớn và nguồn nước dồi dào từ hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Ðông. Điều kiện khí hậu thuận lợi, quỹ đất nông nghiệp lớn và mặt bằng rộng tạo điều kiện lý tưởng cho việc triển khai các mô hình canh tác quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Theo thống kê, nông nghiệp hiện chiếm hơn 20% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh - một tỷ lệ khá cao so với bình quân cả nước. Điều này vừa cho thấy tầm quan trọng của khu vực nông nghiệp đối với kinh tế địa phương, vừa đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái cơ cấu theo hướng bền vững, hiện đại hơn để tăng sức cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng.
Công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông đẹp mắt tại huyện Châu Thành, Tây Ninh. (Ảnh: Giang Phương)
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã xác định rõ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị là một trong bốn đột phá chiến lược của địa phương.
Đây được xem là hướng đi then chốt nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Từ nền tảng này, người nông dân có thể yên tâm bám đất, làm giàu từ chính ruộng đồng quê hương.
Quyết tâm chính trị ấy đang từng bước hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể. Mới đây, Tây Ninh khánh thành Khu chăn nuôi công nghệ cao DHN, công bố 7 dự án trọng điểm vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, công nhận Vùng an toàn dịch bệnh Tây Ninh và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (2025 - 2027) sẽ xây dựng nhà máy ấp con giống hiện đại, công nghệ cao có diện tích khoảng 2 ha, cung cấp cho thị trường 1,2 triệu sản phẩm vịt giống/năm và nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU có diện tích khoảng 20-30 ha sử dụng 30.000 - 50.000 tấn nguyên liệu từ hoạt động chăn nuôi tại địa phương để sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 120.000 - 150.000 tấn phân bón hữu cơ và vi sinh.
Tây Ninhh hiện có hơn 80 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhậnVietGAP, hơn 70 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. (Ảnh: Trần Khánh)
Giai đoạn 2 (2027 - 2030) sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 80ha, cung cấp khoảng 4 triệu sản phẩm vịt giống và 18 triệu sản phẩm vịt thịt mỗi năm cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Halal và quốc tế. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án này là 2.000 tỷ đồng.
Những dự án này không chỉ mở ra hướng đi mới trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về tiềm năng, lợi thế và quyết tâm “bắt kịp” xu hướng nông nghiệp hiện đại của Tây Ninh.
Định hướng 20 vùng nông nghiệp công nghệ cao
Không dừng lại ở vài dự án đơn lẻ, Tây Ninh đã vạch ra kế hoạch phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong giai đoạn 2022 - 2030. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, đây là chiến lược lâu dài với từng bước đi cụ thể, rõ ràng.
Cụ thể: Giai đoạn 2022 - 2025: Hình thành 9 vùng nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm 5 vùng trồng trọt với tổng diện tích gần 3.000 ha; 3 vùng chăn nuôi gà thịt quy mô 972.000 con/lứa; và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt - chăn nuôi diện tích hơn 1.600 ha.
Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục mở rộng 11 vùng, trong đó có 8 vùng trồng trọt với diện tích hơn 5.700 ha; 2 vùng chăn nuôi bò sữa, lợn thịt với quy mô 50.000 con/năm; và 1 vùng hỗn hợp diện tích 1.000 ha. Mỗi vùng sản xuất đều phải hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá” từng xảy ra trước đây.
Sông Vàm Cỏ Đông thuận lợi giao thông đường thủy, góp phần phát triển công, nông, lâm nghiệp cho Tây Ninh. (Ảnh: Đại Dương)
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI xác định: Đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đạt giá trị sản phẩm 150 triệu đồng/ha; đến năm 2030 là 180 triệu đồng/ha. Đồng thời, nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Đây là mục tiêu lớn, nhưng hoàn toàn khả thi khi tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ: từ hỗ trợ lãi vay, liên kết sản xuất 0 tiêu thụ, đến khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 14 dự án sản xuất công nghệ cao với tổng diện tích hơn 233 ha, tổng kinh phí hỗ trợ gần 6 tỷ đồng. Trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, 11 dự án đã được hỗ trợ với tổng diện tích hơn 2.230 ha và 850 con bò, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022 - 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp nhận 34 hồ sơ đăng ký hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất tốt, trong đó 24 hồ sơ đã được phê duyệt với kinh phí gần 740 triệu đồng.Song song với trồng trọt, chăn nuôi cũng là một điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp Tây Ninh.
Tổng đàn gia súc toàn tỉnh hiện đạt gần 345.000 con với 628 trang trại, tăng 5,7% so với năm 2021. Đáng chú ý, đàn gia cầm đạt đến 9 triệu con với 107 trang trại, tăng hơn 20% so với năm trước. Sự tăng trưởng này là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình trong tư duy sản xuất, từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, ứng dụng công nghệ và gắn với chuỗi giá trị.
“Tỉnh đang nỗ lực kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã tham gia chuỗi sản xuất hiện đại, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường”, ông Xuân nói.
Hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế
Với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư và đặc biệt là vị trí địa lý chiến lược, Tây Ninh đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lý giải về quyết định chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus (Hà Lan) nhận định, Tây Ninh hội tụ nhiều lợi thế để trở thành "cứ điểm" quan trọng trong chiến lược mở rộng chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Gabor, Tây Ninh không chỉ sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, là cầu nối giữa TP.HCM và thủ đô Phnom Penh (Campuchia), mà còn nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus, Hà Lan.
Với đường biên giới dài 240 km, có tới 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính và 10 cửa khẩu phụ, Tây Ninh thuận lợi trong việc kết nối giao thương nội địa và quốc tế. Đây là yếu tố chiến lược giúp địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Gabor chia sẻ thêm, trong những lần trao đổi với các lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam, như nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nguyên Bộ trưởng Lê Minh Hoan hay Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ông thường xuyên được nhấn mạnh về trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong việc góp phần đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước, đồng thời hướng tới chinh phục thị trường quốc tế với hàng tỷ người tiêu dùng.
"Sự hỗ trợ thiết thực từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã tiếp thêm động lực để De Heus hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam", ông nói.
De Heus cùng các đối tác như Hùng Nhơn, Bel Gà, Big Dutchman... đã từng bước mở rộng sự hiện diện tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sau khi triển khai thành công dự án con giống gia cầm tại Lâm Đồng, trong 3 năm trở lại đây, De Heus bắt đầu chuyển hướng chiến lược đầu tư về Tây Ninh.
Hiện tập đoàn này đã đưa vào hoạt động nhà máy ấp trứng hiện đại tại huyện Trảng Bàng, đánh dấu bước đi đầu tiên trong chuỗi dự án nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
"Chúng tôi nhìn thấy cả tiềm năng và điểm yếu của Tây Ninh. Tuy phát triển sau một số tỉnh thành khác, nhưng điều này lại trở thành lợi thế khi xây dựng các vùng chăn nuôi hiện đại, đảm bảo an toàn dịch bệnh và phục vụ xuất khẩu. Muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, yếu tố quan trọng là phải có đất rộng, sạch bệnh, quy hoạch bài bản, điều mà Tây Ninh đang có", ông Gabor phân tích.
Hoàng Thọ