Trong những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh các giải pháp nhằm tạo bệ phóng cho nông sản địa phương, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Định hướng phát triển bền vững
Tây Ninh đang từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xu thế thị trường. Tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như trồng rau trong nhà kính, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Công nhân cho bò ăn từ sản phẩm cây bắp xay nhuyễn sau khi ủ với muối hột và mật rỉ đường. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt bò mát theo tiêu chuẩn Australia, Công ty trách nhiệm hữu hạn PACOW International (địa chỉ thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư xây dựng toàn bộ chuỗi sản xuất khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”, không chỉ là bước tiến lớn về công nghệ mà còn mở ra cơ hội việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Ông Oàn Lộc Phến, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn PACOW International chia sẻ, sở dĩ ông chọn mảnh đất Tây Ninh để đầu tư là do vùng đất này có nguồn nước, nguồn nguyên liệu dồi dào; đất đai rộng lớn, chính sách đầu tư với nhiều ưu đãi, hội tụ được các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Nhằm bảo đảm an toàn trong sản xuất thịt, công ty thiết lập quy trình chăn nuôi và giết mổ khép kín, từ nhập bò giống, chăn nuôi, thực hiện giết mổ và đóng gói thịt bò thành phẩm để cung cấp ra thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết: Một trong những bước ngoặt lớn của ngành nông nghiệp hiện nay chính là sự thay đổi trong tư duy làm nông. Ông Xuân dẫn chứng, nếu như trước đây, tại các cuộc triển lãm nông nghiệp, phần lớn sản phẩm được giới thiệu chủ yếu là nông sản thô như củ khoai mì, hay hình ảnh của gia súc, gia cầm, thì hiện nay, xu hướng đã chuyển dần sang các sản phẩm chế biến.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mặt hàng được sơ chế, bảo quản bằng công nghệ như hút chân không, sấy khô, đông lạnh... không chỉ tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn dễ dàng phân phối đến nhiều kênh bán lẻ khác nhau. Ngoài ra, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã cũng đang hợp tác với doanh nghiệp chế biến để tạo ra những sản phẩm có tính thương mại cao. Tất cả cho thấy người sản xuất đã chủ động hơn trong việc gia tăng giá trị nông sản, thay vì chỉ phụ thuộc vào giá cả thị trường.
Cân thịt bò Úc thành phẩm trước khi đóng gói. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN
Bên cạnh đó, sự đổi mới còn thể hiện rõ qua việc ứng dụng mạnh mẽ máy móc và công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp. Từ các thiết bị phun thuốc tự động, máy bón phân, đến việc sử dụng chế phẩm sinh học hỗ trợ cây trồng – tất cả đều góp phần nâng cao hiệu quả canh tác và giảm sức lao động thủ công. Ông Nguyễn Đình Xuân cũng nhấn mạnh, đây chính là bước chuyển mình quan trọng, minh chứng cho một tư duy nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp và bền vững – yếu tố then chốt để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Tây Ninh đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Các tập đoàn lớn như Hùng Nhơn, De Heus và Vinamilk đã đầu tư những dự án quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Chú trọng đến chất lượng
Tây Ninh hiện đang tích cực xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Những đặc sản địa phương như muối tôm, bánh tráng phơi sương, mãng cầu Bà Đen đã có thương hiệu riêng, hiện diện trên sàn thương mại điện tử và hệ thống siêu thị lớn. Tỉnh cũng triển khai chương trình OCOP, hỗ trợ nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, minh bạch đang trở thành mục tiêu mà cả người dân lẫn các đơn vị sản xuất nông nghiệp đều hướng tới. Trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng đang ngày càng được thu hẹp nhờ vào các nền tảng thương mại điện tử, các kênh phân phối trực tuyến và những gian hàng chính thức trên môi trường số.
Theo ông Xuân lý giải, hiện nay nhiều nhà sản xuất đã chủ động xây dựng trang web, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin về sản phẩm, từ chủng loại đến giá cả. Nông dân Việt Nam cũng đang ngày càng nhạy bén và bắt kịp xu thế thị trường, sẵn sàng thay đổi để thích nghi với các phương thức bán hàng hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Thu Ngân, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đa Truyền thông Vạn Hoa (phường 2, thành phố Tây Ninh), đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử cholonghoa.com, cho biết: “Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng rộng khắp, tiết kiệm chi phí vận hành, quảng bá sản phẩm linh hoạt, tăng doanh số nhanh chóng. Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, bán hàng online ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng có thói quen mua sắm trực tuyến, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển bền vững.”
Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm – lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất và độ an toàn. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc trở thành yếu tố then chốt giúp nâng cao niềm tin. Mỗi sản phẩm đều được gắn mã vùng trồng, mã chế biến và có thể truy vết toàn bộ hành trình từ nông trại đến bàn ăn. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng, mà còn tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng giám sát và can thiệp nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm.
Ông Xuân cũng nhấn mạnh, xu hướng tiêu dùng hiện đại đang thúc đẩy ngành nông nghiệp đổi mới mạnh mẽ và thương mại điện tử chính là cầu nối hiệu quả giúp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến gần hơn với thị trường, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho người nông dân trong thời kỳ chuyển đổi số.
Theo định hướng của UBND tỉnh, Tây Ninh đã xác lập các vùng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư và tham gia xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Mục tiêu cho năm 2025, tỉnh sẽ hình thành 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi và 3 vùng kết hợp. Mỗi vùng sản xuất sẽ được chứng nhận và phát triển ít nhất một chuỗi liên kết tiêu thụ, góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết lên trên 25% vào năm 2025 và đạt 35% vào năm 2030.
Giang Phương – Thanh Tân (TTXVN)