Ai Cập có kế hoạch sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại

Ai Cập có kế hoạch sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại
7 giờ trướcBài gốc
Tổ chức Công nghiệp hóa Ả Rập (AOI), thuộc quyền điều hành của nhà nước Ai Cập, đang định vị mình là một nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ toàn cầu. Khẳng định này đến trực tiếp từ Thiếu tướng Mukhtar Abdel Latif, Chủ tịch Hội đồng quản trị AOI, người gần đây đã nêu bật tham vọng và thành tựu của họ trong một loạt các tuyên bố báo chí.
Với trọng tâm vững chắc vào sự hợp tác, AOI đang hợp tác chặt chẽ với Lực lượng Vũ trang Ai Cập và các đối tác quốc tế, để thiết kế và sản xuất máy bay huấn luyện quân sự tiên tiến trong nước. Yếu tố then chốt trong thành công của AOI là Nhà máy chế tạo máy bay Helwan, một cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhiều mẫu máy bay, phù hợp với nhu cầu quốc phòng của Ai Cập.
Thành tựu lớn nhất của nhà máy Helwan là máy bay huấn luyện quân sự K-8E (một phiên bản phái sinh của máy bay huấn luyện Hongdu JL-8 của Trung Quốc), với sản lượng ấn tượng là 120 chiếc cho Lực lượng Vũ trang Ai Cập. Cột mốc này nhấn mạnh năng lực của nhà máy và cam kết của AOI trong việc phát triển các giải pháp nội địa cho quốc phòng của quốc gia.
Tuy nhiên, tham vọng của Ai Cập không dừng lại ở máy bay K-8E. Một thông tin gần đây của Air Forces Monthly (AFM) tiết lộ rằng, Bộ Quốc phòng Ai Cập đã phát hành một cuộc đấu thầu quốc tế để mua 36 máy bay huấn luyện tiên tiến hơn.
Những chiếc máy bay mới này, nhằm mục đích thay thế phi đội máy bay huấn luyện Alpha Jets đã cũ, phục vụ trong lực lượng Không quân Ai Cập từ năm 1982. Hiện Không quân Ai Cập có 45 chiếc Alpha Jet hiện đã cũ, số máy bay này đủ thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa ngành hàng không quân sự của Ai Cập.
Mặc dù cuộc cạnh tranh cho hợp đồng béo bở này đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất hàng không vũ trụ lớn trên toàn cầu. Korea Aerospace Industries (KAI) của Hàn Quốc đã đưa ra máy bay huấn luyện F-50 Golden Eagle và T-50 như những ứng cử viên mạnh mẽ.
Trong khi đó, Leonardo của Italy đang cạnh tranh để giành được hợp đồng với máy bay huấn luyện M-345 và M-346. CATIC của Trung Quốc đã tham gia cuộc cạnh tranh với máy bay L-15, và lĩnh vực này có thể sớm mở rộng để bao gồm thêm các đối thủ khác như TAI của Thổ Nhĩ Kỳ, với máy bay Hürjet, và công ty Aero của Séc, giới thiệu L-39NG như một sản phẩm kế thừa tiềm năng cho K-8E của Ai Cập.
Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt này, Ai Cập đang tận dụng sức mua của mình để đảm bảo nhiều thứ hơn, chứ không chỉ là máy bay. Theo Thiếu tướng Tarek Abdel Fattah, chủ tịch Nhà máy máy bay Helwan, AOI rất muốn đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào, cũng bao gồm việc chuyển giao công nghệ sản xuất mạnh mẽ.
Phát biểu tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Ai Cập, ông nhấn mạnh rằng, AOI đặt mục tiêu thiết lập dây chuyền sản xuất trong nước cho các loại máy bay huấn luyện đã chọn, đảm bảo Ai Cập được hưởng lợi từ hoạt động sản xuất nội địa và tự chủ hơn về quốc phòng.
Cách tiếp cận này phản ánh chiến lược rộng hơn của Ai Cập, nhằm tăng cường cơ sở công nghiệp trong củng cố năng lực quốc phòng. Bằng cách đảm bảo chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng trong nước, AOI và các đối tác không chỉ mua máy bay tiên tiến, mà còn là sự đầu tư vào tương lai của Ai Cập, với tư cách là một quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất hàng không vũ trụ.
Việc thiết lập dây chuyền sản xuất trong nước máy bay chiến đấu hạng nhẹ và máy bay huấn luyện tại Ai Cập sẽ mang lại lợi thế đáng kể về mặt chiến lược, kinh tế và công nghiệp cho cả Ai Cập và khu vực châu Phi nói chung. Về mặt quốc phòng, một dây chuyền sản xuất trong nước sẽ tăng cường đáng kể khả năng tự lực của Ai Cập trong việc duy trì và nâng cấp lực lượng không quân.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ và máy bay huấn luyện là những thành phần quan trọng của bất kỳ lực lượng không quân hiện đại nào, cung cấp các giải pháp tiết kiệm chi phí cho đào tạo phi công tiên tiến và các nhiệm vụ tấn công hạng nhẹ.
Bằng cách sản xuất những máy bay này trong nước, Ai Cập có thể giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và có thể dự đoán được về khung máy bay, phụ tùng thay thế và hỗ trợ kỹ thuật.
Về mặt kinh tế, việc thành lập một cơ sở như vậy sẽ là một lợi ích cho ngành công nghiệp của Ai Cập. Sản xuất hàng không vũ trụ là một ngành công nghiệp có giá trị cao, thúc đẩy tạo việc làm, từ công nhân lắp ráp đến kỹ sư và kỹ thuật viên được đào tạo bài bản. Đồng thời việc chuyển giao công nghệ, cũng có thể đóng vai trò là nền tảng cho sự đổi mới, giúp Ai Cập phát triển các thiết kế bản địa trong dài hạn.
Ở cấp độ khu vực, năng lực sản xuất trong nước sẽ đưa Ai Cập trở thành nhà cung cấp máy bay chiến đấu hạng nhẹ và máy bay huấn luyện quan trọng cho các quốc gia châu Phi; trong đó nhiều quốc gia đang phải đối mặt với thách thức trong việc hiện đại hóa lực lượng không quân của mình.
Về mặt chiến lược, một chương trình như vậy sẽ nhấn mạnh tham vọng của Ai Cập như một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực quốc phòng ở châu Phi và Trung Đông. Bằng cách sản xuất máy bay chiến đấu tiên tiến trong nước, Ai Cập sẽ báo hiệu sự trưởng thành về công nghệ và công nghiệp của mình, với các cường quốc toàn cầu.
Tuy nhiên, sự thành công của sáng kiến này sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố. Việc đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên liệu và linh kiện đáng tin cậy và chất lượng cao là điều cần thiết. Bên cạnh đó, họ cần phải giải quyết những phức tạp trong việc tích hợp công nghệ nước ngoài vào sản xuất trong nước, thường liên quan đến các hạn chế về sở hữu trí tuệ và các cân nhắc về chính trị.
Hơn nữa, thị trường trong nước của Ai Cập khó có thể đủ để duy trì dây chuyền sản xuất như vậy; việc đạt được quy mô kinh tế có thể đòi hỏi các chiến lược xuất khẩu mạnh mẽ và giá cả cạnh tranh. Trong lĩnh vực này, Ai Cập khó có thể cạnh tranh với các ông lớn thế giới trong lĩnh vực này. (Nguồn ảnh: Bulgarian Military, Al Jazeera, Wikipedia).
Tiến Minh (Theo Bulgarian Military)
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/quan-su/ai-cap-co-ke-hoach-san-xuat-may-bay-chien-dau-hien-dai-2070647.html