Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị về phát triển nhân lực điện hạt nhân

Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị về phát triển nhân lực điện hạt nhân
6 giờ trướcBài gốc
Như Báo Công Thương đã đưa tin, ngày 2/1/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình điện hạt nhân”.
Sau khi nghe báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị, Bộ trưởng kết luận như sau:
Thứ nhất, Hội nghị thống nhất cao về sự cần thiết phải chuẩn bị từ sớm, từ xa nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN), nhân lực kỹ thuật cho Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, bởi nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật là yếu tố then chốt, mang ý nghĩa chiến lược, bảo đảm sự thành công cho Chương trình và việc chuẩn bị nguồn nhân lực cần đi trước một bước, đáp ứng mục tiêu phát triển điện hạt nhân an toàn, hiệu quả và bền vững.
Thứ hai, để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu của Chương trình điện hạt nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và đơn vị chức năng của Bộ cần tập trung làm tốt một số công việc sau:
Khẩn trương xác định nhu cầu về quy mô, lĩnh vực chuyên môn cần đảo tạo; hoàn thành trong quý I/2025. Đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành Công Thương; từ đó các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền để được giao chỉ tiêu đào tạo cụ thể, phù hợp với năng lực của mỗi đơn vị; hoàn thành trong quý II/2025.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”. Ảnh: Cấn Dũng
Tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; nhân lực được đào tạo và người lao động tại các nhà máy điện hạt nhân (như chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm cho người lao động...). Các cơ sở đào tạo chủ động nghiên cứu, rà soát với năng lực của mình và chỉ tiêu đào tạo được giao để đăng ký mở mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, đào tạo giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết để triển khai việc đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân.
Tích cực kêu gọi các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu mến Việt Nam tham gia, hỗ trợ quá trình nghiên cứu, đào tạo và hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
Chú trọng triển khai các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, phát triển nhân lực về diện hạt nhân thông qua các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp (về kinh tế và thương mại), Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chính thức của các nước phát triển (ODA) để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Thứ ba, để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung nêu trên, yêu cầu các đơn vị liên quan, theo chức năng và nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan (đặc biệt là EVN với tư cách là chủ đầu tư) khẩn trương xác định nhu cầu quy mô, lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo (bao gồm cả việc rà soát, đánh giá số nhân lực đã được đào tạo trong giai đoạn trước); xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhân lực để phục vụ cho các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; hoàn thành trong quý I/2025.
Đánh giá khả năng đào tạo nhân lực trong nước của các cơ sở đào tạo cả trong và ngoài ngành Công Thương. Trong phạm vi ngành Công Thương, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo tự đánh giá và đăng ký chỉ tiêu đào tạo cụ thể. Đồng thời, Bộ thành lập Hội đồng để tiến hành đánh giá khả năng và giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực lĩnh vực điện hạt nhân cho các đơn vị có năng lực; trong đó, cân nhắc đến các phương án liên kết đào tạo, sử dụng chung cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và với các đơn vị ngoài Bộ, có uy tín, năng lực như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (bao gồm cả các đơn vị trực thuộc), Đại học Bách khoa Hà Nội...; hoàn thành trong quý II/2025.
Trên cơ sở kết quả đánh giá, các đơn vị được xác định có năng lực đào tạo cần chuẩn bị các phương án cụ thể về: Mở mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy, đào tạo giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết và xây dựng phương án hợp tác, liên kết đào tạo (gồm cả vấn đề về hợp tác, sử dụng chung cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo) để triển khai thực hiện; hoàn thành chậm nhất trong tháng 7/2025.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo, nhân lực được đào tạo và chế độ đãi ngộ hợp lý (về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm...) cho người lao động trong lĩnh vực điện hạt nhân (nhất là việc kết hợp với dự án điện hạt nhân cụ thể); đồng thời, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng, ban hành các chuẩn chương trình đào tạo bậc đại học chuyên ngành về điện hạt nhân.
Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo thuộc Bộ chủ động thực hiện (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép) đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết hợp tác trong nước và quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân thông qua các cơ chế Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và các chương trình ODA,... để tranh thủ sự hỗ trợ của các nước có công nghiệp điện hạt nhân phát triển; hoàn thành chậm nhất trong quý III/2025.
Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, lợi ích và sự an toàn của năng lượng hạt nhân nhằm tạo đồng thuận, ủng hộ cao của toàn xã hội về Chương trình phát triển điện hạt nhân nói chung và đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân nói riêng; đồng thời, góp phần kêu gọi các chuyên gia về năng lượng nguyên tử là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có tình cảm yêu quý Việt Nam tham gia, hỗ trợ, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân ở Việt Nam.
Thứ tư, thống nhất đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền:
Ban Chỉ đạo nhà nước về phát triển điện hạt nhân sớm tổ chức họp để xác định những công việc cần làm và phân công nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành tổ chức liên quan để triển khai thực hiện.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, bảo đảm tiến độ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 28/2/2025; trong đó có bổ sung nguồn điện hạt nhân vào Quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án điện hạt nhân theo quy định.
Trung ương, Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh và khả thi cho phát triển điện hạt nhân, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực và cơ chế đãi ngộ đối với nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân. Trong giai đoạn đầu, kiến nghị lồng ghép việc đào tạo nguồn nhân lực vào các dự án diện hạt nhân cụ thể, trong đó chi phí đào tạo được kết cấu trong tổng mức đầu tư của dự án và nhân lực được đào tạo theo công nghệ cụ thể của từng dự án.
Cấp có thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán, ký kết với các đối tác quốc tế có ngành công nghiệp điện hạt nhân phát triển để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân Việt Nam.
Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội về lợi ích và an toàn của năng lượng hạt nhân; giúp người dân hiểu rõ hơn về điện hạt nhân, từ đó thu hút sự quan tâm và khuyến khích đội ngũ trí thức trẻ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Về phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng giao Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị chuyên môn, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo để tham mưu Lãnh đạo Bộ phân công nhiệm vụ cụ thể bằng văn bản cho các đơn vị, tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN phục vụ Chương trình điện hạt nhân.
Các đơn vị chức năng và các Viện, Trường thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ cụ thể và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ Chương trình điện hạt nhân, gửi Vụ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ trước ngày 30/1/2025.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, các đơn vị báo chí, truyền thông thuộc Bộ chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông trên các nền tảng thông tin về vai trò, lợi ích, sự an toàn của năng lượng hạt nhân và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như hoạt động chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ về phát triển điện hạt nhân để tạo sự đồng thuận xã hội về triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của đất nước trong thời gian tới.
Thanh Bình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ket-luan-cua-bo-truong-nguyen-hong-dien-tai-hoi-nghi-ve-phat-trien-nhan-luc-dien-hat-nhan-368871.html