Nam Cực từ lâu đã là tâm điểm của sự quan tâm địa chính trị, với 7 quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với lục địa này: Chile, Argentina, Vương quốc Anh, Na Uy, Úc, New Zealand và Pháp. Tuy nhiên, những tuyên bố chủ quyền này thường chồng chéo và chưa được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Vào 2/1, ông Gabriel Boric đã đến Nam Cực trong chuyến đi tên “Chiến dịch Polar Star III”. Tổng thống Chile đã có chuyến thăm đến Trạm Nam Cực Amundsen-Scott và các cơ sở nghiên cứu của Chile nơi đây. "Đây là một cột mốc quan trọng với chúng tôi", Tổng thống Boric phát biểu.
Tổng thống Chile Gabriel Boric ở Nam Cực. (Ảnh: Gabriel Boric / X)
Nam Cực, lục địa lớn thứ năm trên thế giới, là lục địa duy nhất không có dân bản địa hay chính quyền. Nơi đây có diện tích 5.405.430 dặm vuông và được quản lý tập thể theo Hiệp ước Nam Cực năm 1961, chỉ định là khu bảo tồn khoa học, cấm hoạt động quân sự.
Dù Hiệp ước Nam Cực đã tạm dừng các tranh chấp lãnh thổ, nhưng các quốc gia, trong đó có Chile, vẫn tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực, dẫn đến tình trạng chồng lấp lãnh thổ.
Hiệp ước Nam Cực
Ký kết trong bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, Hiệp ước Nam Cực là nền tảng của hòa bình và hợp tác khoa học. Hiệp ước này đóng băng các yêu sách lãnh thổ và cấm khai thác tài nguyên và các hoạt động quân sự, đảm bảo khu vực này vẫn là tài sản chung toàn cầu dành cho nghiên cứu khoa học.
Trong chuyến thăm của mình, ông Boric đã khẳng định lại cam kết của mình, nhấn mạnh vào việc Hiệp ước Nam Cực sẽ bảo vệ châu lục trắng khỏi các cuộc cạnh tranh địa chính trị và tập trung vào nghiên cứu khoa học.
Mỹ có tham gia không?
Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển nghiên cứu khoa học ở Nam Cực. Là một trong 12 quốc gia đầu tiên ký Hiệp ước Nam Cực vào năm 1959, Hoa Kỳ đã cam kết duy trì Nam Cực như một khu vực hòa bình, không bị quân sự hóa và là nơi để nghiên cứu khoa học quốc tế. Hiệp ước này đã tạo nền tảng cho sự hợp tác quốc tế về khoa học và bảo vệ môi trường tại Nam Cực.
Mỹ duy trì ba trạm nghiên cứu lớn tại Nam Cực: Trạm McMurdo, Trạm Palmer và Trạm Nam Cực Amundsen-Scott. Dù không tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại Nam Cực, Mỹ vẫn duy trì một sự hiện diện tích cực.
Hiệp ước Nam Cực và Nghị định thư Bảo vệ Môi trường sẽ được xem xét lại vào năm 2048, mở ra cơ hội thay đổi quản lý khu vực này.
Nghị định thư 1991 cấm khai thác mỏ và coi Nam Cực là "khu bảo tồn thiên nhiên," nhưng nhu cầu về năng lượng và nước ngày càng tăng có thể thách thức nguyên tắc bảo tồn. Tài nguyên thiên nhiên ở Nam Cực, như dầu và khoáng sản, có thể trở thành mục tiêu khai thác, gây tranh cãi về việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên.
Hà Trang (theo GI, Newsweek)