Greenland: từ tham vọng của ông Trump đến canh bạc địa chính trị toàn cầu

Greenland: từ tham vọng của ông Trump đến canh bạc địa chính trị toàn cầu
5 giờ trướcBài gốc
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang gây xôn xao dư luận những ngày qua, khi liên tục nhắc đi nhắc lại ý tưởng táo bạo mà ông từng ấp ủ trong nhiệm kỳ đầu của mình — kêu gọi Mỹ mua lại đảo Greenland, vùng lãnh thổ tự trị thuộc chủ quyền của Đan Mạch.
Ông Trump, người sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới tại Nhà Trắng ngày 20/1 tới, tuyên bố việc Mỹ kiểm soát hòn đảo là "điều cần thiết tuyệt đối." Tại một cuộc họp báo ngày 7/1, ông không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự hoặc kinh tế để đạt được mục tiêu này.
Thậm chí, tổng thống đắc cử Mỹ còn chứng tỏ mình không hề nói xuông, khi đăng lên mạng xã hội Truth đoạn video quay cảnh đích thân con trai cả của ông - Donald Trump Jr., cùng các cố vấn tháp tùng đáp chuyến bay cá nhân đến Greenland, với mục đích được cho là để gặp riêng giới chức của hòn đảo.
Donald Trump Jr. - con trai Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đáp chuyến bay riêng đến Greenland ngày 7/1. Ảnh: X/Donald Trump Jr.
Dĩ nhiên, ý tưởng mua lại Greenland của ông Trump bị không ít người xem là “điên rồ” và vấp phải phản ứng từ nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có cả lãnh đạo Greenland và Đan Mạch. Dù vậy, xét theo góc độ chiến lược và tài nguyên, Mỹ có thể hưởng những lợi ích khổng lồ nếu sở hữu hòn đảo trù phú này.
Tầm ngắm “thế kỷ” của Washington
Donald Trump đã nung nấu ý tưởng mua lại Greenland từ năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình. Khi đó, ông Trump đã yêu cầu các trợ lý tìm hiểu khả năng mua lại hòn đảo từ Đan Mạch, và xem đây như một "thỏa thuận bất động sản lớn".
Ý tưởng ban đầu được giữ kín nhưng sau đó bị báo chí, cụ thể là tờ Wall Street Journal, tiết lộ vào ngày 16/8 năm 2019. Thủ tướng Đan Mạch khi đó là Mette Frederiksen đã phản ứng mạnh mẽ, gọi ý tưởng này là "vô lý" và tuyên bố Greenland "không phải để bán". Phản ứng này dẫn đến căng thẳng ngoại giao khi Tổng thống Trump hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đan Mạch, dự kiến diễn ra vào tháng 9 cùng năm.
Thực tế, ông Trump không phải chính khách đầu tiên muốn biến Greenland thành một phần lãnh thổ của Mỹ. Năm 1910, Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch Maurice Francis Egan từng đề xuất trao đổi hai hòn đảo của Philippines (khi đó còn thuộc quyền kiểm soát của Mỹ) để lấy Greenland và Quần đảo Tây Ấn do Đan Mạch chiếm đóng. Dù Mỹ thành công trong việc mua lại Quần đảo Virgin (tên gọi hiện tại của Quần đảo Tây Ấn) vào năm 1917, đề xuất về Greenland bị từ chối.
Sau Thế chiến II, Tổng thống Harry Truman tiếp tục đề nghị mua Greenland bằng vàng thỏi với tổng giá trị tới 100 triệu USD. Tuy nhiên, câu trả lời từ Đan Mạch vẫn không thay đổi.
“Chiếc bánh ngon” khiến các nước lớn thèm thuồng
Không chỉ là hòn đảo lớn nhất thế giới, Greenland còn sở hữu vị trí địa lý đặc biệt quan trọng. Nằm giữa khu vực Bắc Mỹ và Nga, hòn đảo này đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát tuyến đường biển Greenland-Iceland-Anh (GIUK), vốn là tuyến đường tiếp cận của các tàu ngầm Nga tới bờ Đông và Bắc Đại Tây Dương của Mỹ. Do đó, Washington vẫn duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể tại đây thông qua Căn cứ Không gian Pituffik và hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo.
Máy bay chờ hàng quân sự của Mỹ hạ cánh tại khu vực Căn cứ Không gian Pituffik tại Greenland. Ảnh: Facebook/Pituffik Space Base
Tuy nhiên, sự quan tâm không chỉ dừng lại ở khía cạnh quân sự. Dù có tổng dân số chưa đến 57.000 người, Greenland lại sở hữu tới 43/50 loại khoáng sản được Mỹ xếp vào danh mục “quan trọng”. Đặc biệt, nguồn đất hiếm có thể sánh ngang với những “ông lớn” như Trung Quốc, cùng trữ lượng dầu lên tới 52 tỷ thùng theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ năm 2008, càng củng cố vị thế của hòn đảo này trên bản đồ năng lượng toàn cầu.
Vị trí đặc biệt cùng nguồn tài nguyên dồi dào biến Greenland thành một "chiếc bánh ngon" mà nhiều cường quốc muốn giành giật, không chỉ Mỹ mà còn có cả Nga và Trung Quốc. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tích cực mở rộng ảnh hưởng tại Greenland thông qua các khoản đầu tư chiếm tới 12% GDP của hòn đảo (khoảng 3,26 tỷ USD). Đáng chú ý, tập đoàn Shenghe Resources của Trung Quốc đã nắm giữ cổ phần đáng kể trong dự án uranium quy mô lớn tại đây.
Nga cũng không đứng ngoài cuộc chơi, khi cùng Trung Quốc triển khai dự án “Con đường Tơ lụa trên băng”, nhằm tăng cường ảnh hưởng tại Bắc Cực. Điều này càng khiến Greenland trở nên quan trọng hơn trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ.
Vị trí đặc biệt cùng nguồn tài nguyên dồi dào biến Greenland thành một "chiếc bánh ngon" mà nhiều cường quốc muốn giành giật. Ảnh: Wikimedia Commons
Nước cờ chủ quyền “cao tay”
Trước những tuyên bố về mong muốn mua Greenland của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, cả Đan Mạch và chính quyền tự trị của hòn đảo đều bác bỏ khả năng trên. Bộ trưởng tài chính Greenland Erik Jensen nhấn mạnh mục tiêu độc lập của vùng lãnh thổ này, thay vì chuyển từ quyền kiểm soát từ nước này sang nước khác.
Đức và Pháp, với tư cách đồng minh quan trọng của cả Đan Mạch và Mỹ, cũng nhấn mạnh nguyên tắc không thay đổi biên giới bằng vũ lực, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc. "Không có chuyện Liên minh châu Âu để các nước khác trên thế giới tấn công biên giới có chủ quyền của mình, bất kể họ là ai. Chúng ta là châu lục hùng cường và chúng ta cần vững mạnh hơn nữa", Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot hôm 8/1 thẳng thừng tuyên bố.
Cùng thời điểm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay phát biểu của ông Trump về khả năng dùng vũ lực để giành quyền kiểm soát Greenland khiến giới lãnh đạo châu Âu “khó hiểu”. "Nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới áp dụng cho mọi quốc gia, bất kể quốc gia đó ở phía đông hay phía tây của chúng ta. Và mọi quốc gia phải tôn trọng điều đó, bất kể đó là một quốc gia nhỏ hay một quốc gia rất hùng mạnh”, ông Scholz nói.
Theo thỏa thuận ký kết năm 2009 với Đan Mạch, Greenland cần tổ chức trưng cầu dân ý thành công trước khi có thể tuyên bố độc lập. Chính quyền hiện tại của hòn đảo, dưới sự lãnh đạo của ông Mute Egede, đang hướng tới mục tiêu này.
Tuy nhiên, ông Egede khẳng định rõ lập trường: "Greenland thuộc về người Greenland." Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh tương lai và sự độc lập của Greenland là việc của người dân hòn đảo, không phụ thuộc vào ý kiến của người Đan Mạch, người Mỹ hay bất kỳ ai khác.
Lãnh đạo Greenland Mute Egede khẳng định rõ lập trường: "Greenland thuộc về người Greenland". Ảnh: Odgaard/Ritzau Scanpix
Với những ưu ái “trời ban” về địa lý và tài nguyên, Greenland sẽ tiếp tục là tâm điểm của cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, người dân hòn đảo này dường như đã có lựa chọn riêng cho tương lai của họ - một tương lai độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào.
Việt Anh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/greenland-tu-tham-vong-cua-ong-trump-den-canh-bac-dia-chinh-tri-toan-cau.html