Ai được, ai mất khi Indonesia cấm iPhone 16?

Ai được, ai mất khi Indonesia cấm iPhone 16?
3 giờ trướcBài gốc
Với người dùng Indonesia, lệnh cấm sẽ là một bất lợi lớn, vì họ buộc phải tìm mua iPhone qua các kênh không chính thức, với giá cả tăng cao. Ảnh: Gearrice.
Gần đây, Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, đã tuyên bố cấm bán iPhone 16 mới nhất của Apple.
Lý do chính yếu dẫn đến lệnh cấm này bắt nguồn từ việc Apple chưa đạt được chứng nhận “nội địa hóa” hay "TKDN" (Tingkat Komponen Dalam Negeri) - một yêu cầu mới của chính phủ nước này đối với các sản phẩm công nghệ cao.
Theo quy định của Bộ Công nghiệp Indonesia, để được bán ra trên thị trường nội địa, ít nhất 40% giá trị sản phẩm phải được sản xuất hoặc có nguồn gốc từ Indonesia.
Đáp ứng Apple, Indonesia sợ tạo tiền lệ xấu
Trong trường hợp của Táo khuyết, chính phủ nước này cho rằng hãng chưa đáp ứng đủ mức đầu tư tối thiểu cần thiết để đạt tiêu chuẩn này, mặc dù đã thành lập nhiều học viện đào tạo lập trình viên tại một số thành phố lớn như Jakarta, Surabaya và mới đây là Bali, theo báo địa phương Tekno.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia, Budi Arie Setiadi cho biết lý do Apple chưa thiết lập nhà máy tại nước này bắt nguồn từ những yêu cầu khó có thể đáp ứng của hãng. "Apple chỉ đồng ý xây dựng nhà máy nếu nhận được ưu đãi thuế trong vòng 50 năm”, ông Budi thông tin.
Chính phủ Indonesia e ngại rằng nếu "nhượng bộ" với Apple, sẽ phải đối mặt với áp lực yêu cầu tương tự từ các công ty khác, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định và công bằng trong hệ thống chính sách đầu tư. Ảnh: Firdaus Latif.
Theo Tekno, chính sách miễn thuế bao gồm các ưu đãi thuế đền từ các nước đang phát triển hoặc các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế, nhằm thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Budi Arie Setiadi gọi đây là yêu cầu “quá phung phí” từ phía công ty công nghệ Mỹ. Là một nước đang phát triển, Indonesia có chương trình ưu đãi thuế nhưng không thể kéo dài đến 50 năm. Vì điều này sẽ mở ra tiền lệ nguy hiểm, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.
Ông Budi cho rằng Apple nhận được ưu đãi ở Việt Nam vì có nhiều đối tác sản xuất đặt trong nước. Bộ trưởng Indonesia thừa nhận nước này khó có thể cạnh tranh với các nước láng giềng khi không thể đưa ra các ưu đãi tương đương.
Theo CNA, quy định TKDN của Indonesia yêu cầu ít nhất 40% giá trị của bất kỳ sản phẩm nào được bán tại nước này phải được tạo ra từ nguồn trong nước. Nguồn này có thể là linh kiện sản xuất nội địa, dịch vụ hoặc nguyên liệu thô.
Để đạt tiêu chuẩn, các công ty nước ngoài có 3 lựa chọn: sản xuất trực tiếp tại Indonesia, phát triển ứng dụng nội địa hoặc tạo ra các sản phẩm sáng tạo tại đây. Apple đã chọn phương án phát triển các học viện đào tạo lập trình viên (Apple Developer Academy) nhưng khoản đầu tư chỉ mới đạt 95 triệu USD (1,48 nghìn tỷ Rupiah), thiếu khoảng 14 triệu USD so với mức cam kết.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang, Táo khuyết có thể đáp ứng TKDN bằng cách tăng cường các chương trình đào tạo hoặc xây dựng nhà máy sản xuất tại nước này. "Đây là sự công bằng đối với các nhà đầu tư khác đã cam kết với nền kinh tế Indonesia”, ông Agus cho biết.
Cấm iPhone, người dùng Indonesia bị thiệt
Theo báo cáo của Financial Times, Indonesia là thị trường quan trọng trong khu vực Đông Nam Á với dân số đông và số lượng người dùng điện thoại thông minh cao. Tính đến nay, ước tính có khoảng 354 triệu thiết bị di động đang hoạt động trong nước, vượt xa dân số 280 triệu người của Indonesia.
Thị trường này cũng là nơi iPhone có mức tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, với phân khúc cao cấp (giá trên 600 USD) do Apple chiếm lĩnh đến 40% thị phần.
Tuy nhiên, Financial Times cho rằng việc cấm iPhone 16 tại Indonesia dự kiến sẽ không ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính toàn cầu của Apple. Dù iPhone tăng trưởng mạnh tại thị trường này, Android vẫn chiếm lĩnh 87% tổng số lượng thiết bị di động tại Indonesia.
iPhone chỉ chiếm khoảng một phần nhỏ với 10% trong tổng số 34 triệu chiếc smartphone bán ra mỗi năm tại nước này. Để so sánh, Apple đã bán ra khoảng 235 triệu iPhone trên toàn cầu trong năm ngoái.
Đối với người tiêu dùng Indonesia, đặc biệt là những ai có nhu cầu cao về iPhone 16, việc không thể mua sản phẩm chính hãng đồng nghĩa với việc họ có thể phải chi thêm một khoản đáng kể để nhập khẩu qua các kênh không chính thức.
Nhu cầu về iPhone tại Indonesia đã tăng mạnh. Apple chiếm 40% trong phân khúc smartphone cao cấp có giá từ 600 USD trở lên. Ảnh: Gearrice.
Theo tính toán của Bloomberg Technoz, chi phí để nhập khẩu iPhone 16 từ Singapore về Indonesia, bao gồm cả thuế và phí đăng ký IMEI, có thể lên tới 18 triệu Rupiah (1.155 USD). Để so sánh, một chiếc iPhone 16 rẻ nhất có giá 994 USD tại Singapore. Thế nhưng những người mua từ Indonesia sẽ phải trả thêm 155 USD phí nhập khẩu.
Ngoài ra, cũng không thiếu những quan điểm ủng hộ chính sách kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Một người dùng trên YouTube với tài khoản @anasanarsas797 nhận xét: “Apple cần tuân thủ luật lệ của Indonesia, nếu không thì cấm là đúng".
Chính phủ Indonesia cũng nhận thức được rằng lệnh cấm này có thể khiến một bộ phận người tiêu dùng thất vọng và đã cam kết sẽ xem xét lại các quy định để phù hợp hơn với bối cảnh toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Điều phối Đầu tư và Hàng hải Luhut Binsar Pandjaitan, Indonesia có thể học hỏi từ các quốc gia như Ấn Độ và Thái Lan để đưa ra những ưu đãi phù hợp mà vẫn đảm bảo nguyên tắc công bằng và bảo vệ ngành công nghiệp nội địa.
Thúy Liên
Nguồn Znews : https://znews.vn/the-giang-co-giua-apple-va-indonesia-post1507718.html