Indonesia đặt mục tiêu trở thành 'cường quốc' xe điện

Indonesia đặt mục tiêu trở thành 'cường quốc' xe điện
2 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa) cùng Chủ tịch điều hành Tập đoàn ô tô Hyundai Chung Eui-sun (trái) trong lễ khánh thành nhà máy sản xuất pin cho xe điện đầu tiên ở Karawang, Tây Java - Tài liệu - Karawan. Ảnh AFP
Nhà máy pin lớn nhất Đông Nam Á
Tại thị trấn Karawang, phía đông thủ đô Jakarta, các cánh tay robot đang hoạt động liên tục để lắp ráp các tế bào pin với độ chính xác cao, đặc biệt cung cấp cho các mẫu SUV nhẹ Kona của Hyundai.
LG Energy Solution (LGES), một công ty chuyên sản xuất pin lithium của Hàn Quốc, đã đầu tư 1,1 tỷ USD để xây dựng nhà máy này. Cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo gọi đây là “nhà máy pin lớn nhất Đông Nam Á”, "PT. HLI Green Power" có thể sản xuất tới 10 gigawatt giờ (GWh) pin mỗi năm, và dự kiến nâng công suất lên 20 GWh.
Trong lễ khánh thành vào tháng 7, ông Widodo đã nhấn mạnh rằng những khoản đầu tư như vậy sẽ giúp Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, trở thành một "người chơi toàn cầu quan trọng" trong chuỗi cung ứng xe điện. Ông nói thêm: “Chúng ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô mà không có giá trị gia tăng”.
Theo quy định công bố năm ngoái, các nhà sản xuất ô tô sẽ được miễn thuế nhập khẩu đến năm 2025 nếu họ cam kết sản xuất số lượng xe điện tại Indonesia tương đương với số xe nhập khẩu trước cuối năm 2027.
Thu hút các nhà sản xuất ô tô
Vào tháng 7, Chủ tịch Hyundai Motor Chung Eui-sun cho biết Indonesia là “thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á” và “các phương tiện được sản xuất và bán ở đây sẽ đặt tiêu chuẩn cho khu vực với 700 triệu khách hàng tiềm năng”.
Luther Panjaitan, phụ trách quan hệ công chúng của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD tại Indonesia, nhận định: “Chúng tôi thấy tiềm năng mua xe điện tại Indonesia vượt trội hơn so với các quốc gia khác ở châu Á.”
Tháng trước, hãng sản xuất ô tô Trung Quốc Wuling cũng công bố kế hoạch sản xuất pin cho xe điện tại nhà máy của mình ở Indonesia vào cuối năm 2024, theo truyền thông địa phương.
Theo ông Rachmat Kaimuddin, một quan chức trong chính quyền của cựu Tổng thống Prabowo Subianto cho biết chiến lược then chốt của Jakarta là thu hút các nhà sản xuất ô tô trước khi họ xây dựng nhà máy ở nơi khác. Ông cho biết thêm rằng trữ lượng niken mà Việt Nam hay Thái Lan không có, cho phép Indonesia phát triển ngành công nghiệp pin. Tuy nhiên, dù có nguồn tài nguyên phong phú, các chuyên gia cho rằng Indonesia vẫn thiếu năng lực chế biến và tinh chế.
Nhà máy tại Karawang phải nhập khẩu nguyên liệu, bao gồm cả niken đã qua xử lý từ Hàn Quốc và Trung Quốc, vì thiếu các ngành công nghiệp liên quan, theo ông Hong Woo-pyoung, Giám đốc PT HLI Green Power cho biết.
Thách thức về đầu tư
Mặc dù ngành xe điện đang phát triển mạnh, Indonesia vẫn đối mặt với thách thức từ mức đầu tư còn hạn chế. Trong giai đoạn 2020-2024, con số này là gần 515.000 tỷ rupiah Indonesia (gần 30,5 tỷ euro), trong khi đầu tư vào xe điện chỉ đạt 1.914 tỷ rupiah (hơn 113 triệu euro).
Các nhà hoạt động môi trường cảnh báo về tình trạng khai thác niken gây ra nạn phá rừng ở Indonesia. Đồng thời, các nhà phân tích lo ngại rằng sự phát triển của loại pin lithium-sắt-phosphate (LFP) – rẻ hơn và được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc – có thể làm giảm nhu cầu đối với niken.
Ông Putra Adhiguna, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Năng lượng, cho rằng việc dư thừa nguồn cung pin trên toàn cầu có thể khiến Indonesia khó thu hút thêm đầu tư.
Dù vậy, Giám đốc nhà máy Karawang, ông Hong, tỏ ra lạc quan nói: “Indonesia đang phát triển với tốc độ khoảng 5% mỗi năm. Thị trường ô tô cũng sẽ tiếp tục mở rộng”.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Indonesia, hơn 23.000 xe điện đã được giao cho các đại lý từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, so với 17.000 chiếc trong cả năm 2023.
H.Phan
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/indonesia-dat-muc-tieu-tro-thanh-cuong-quoc-xe-dien-719897.html