Mục tiêu tăng trưởng 8% của Indonesia có khả thi?

Mục tiêu tăng trưởng 8% của Indonesia có khả thi?
2 giờ trướcBài gốc
Mục tiêu tham vọng
Được xem là nền kinh tế lớn của Đông Nam Á và là quốc gia G20 duy nhất khu vực, nhưng Indonesia đang phải đối mặt với một số khó khăn kinh tế, bao gồm suy giảm sức mua, giảm phát và áp lực kinh tế. Các chuyên gia kinh tế nhận định, Indonesia khó có thể vượt qua mức tăng trưởng kinh tế 5%, trong quý III và quý IV.2024, mặc dù trong nửa đầu năm đã có khởi đầu mạnh mẽ. Do đó người dân Indonesia đang mong đợi chính quyền mới sẽ có những biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia cũng như mang lại nhiều phúc lợi cho người nghèo.
Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto
Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho nền kinh tế Indonesia với những cam kết vì lợi ích, phát triển và thịnh vượng cho người dân. Ông Prabowo cam kết sẽ sớm thực hiện các kế hoạch đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, bao gồm 17 chương trình ưu tiên và 8 chương trình có tác động ngay lập tức, trong đó có xóa bỏ đói nghèo, tự túc lương thực, dịch vụ y tế cho tất cả người dân, phòng ngừa và bài trừ tham nhũng… Đáng chú ý là cam kết đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% trong nhiệm kỳ đầu tiên dưới thời chính quyền mới.
Tuy nhiên, đánh giá về mục tiêu này, một số chuyên gia cho rằng, những bước đi ban đầu cho thấy cách tiếp cận của ông dường như không phù hợp với mục tiêu này. Theo đó, tân Tổng thống Indonesia đã công bố thành phần nội các Chính phủ mà ông gọi là “nội các Đỏ và Trắng. Việc mở rộng nội các, với khoảng 49 bộ và sự gia tăng các chức vụ thứ trưởng, nội các sẽ bao gồm tổng cộng gần 100 người được bổ nhiệm, điều này làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu chính quyền của ông có ưu tiên các cải cách thể chế và hiệu quả cần thiết hay không.
Thách thức trong nước
Các chuyên gia cho rằng, việc cải cách thể chế là điều cần thiết nếu ông Prabowo muốn đạt được các mục tiêu tăng trưởng 8%. Song quỹ đạo hiện tại của đất nước này đang đi theo hướng ngược lại. Việc mở rộng nội các có nguy cơ làm tăng chi phí hành chính và làm chậm quá trình ra quyết định vào thời điểm Indonesia cần các thể chế tinh gọn, linh hoạt để giải quyết các thách thức kinh tế phức tạp. Hơn bao giờ hết, Indonesia cần đạt được hiệu quả trong quản trị, cùng với các cải cách cơ cấu thúc đẩy khả năng cạnh tranh, minh bạch và đổi mới.
Đặc biệt, điểm mấu chốt của vấn đề là làm sao Indonesia có thể cải thiện tỷ lệ dân số được xác định là tầng lớp trung lưu, đang dần bị thu hẹp trong vài năm qua. Theo Cục Thống kê Indonesia (BPS), tỷ lệ dân số ở tầng lớp này đã giảm từ 23% vào năm 2018 xuống chỉ còn 17% vào năm 2023. Sự suy giảm này, bắt đầu ngay cả trước đại dịch Covid-19, đã phản ánh những thách thức lớn hơn mà nền kinh tế Indonesia phải đối mặt, từ mức lương trì trệ trong khu vực chính thức đến bất bình đẳng gia tăng.
Tầng lớp trung lưu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng, tạo ra nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ, đồng thời góp phần vào sự ổn định chính trị. Khi tầng lớp này ngày càng bị thu hẹp, không chỉ hạn chế tiêu dùng trong nước mà còn làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội rộng hơn. Việc tạo việc làm trong các ngành công nghiệp có thể hỗ trợ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu là rất quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất và dịch vụ. Song, lĩnh vực sản xuất của Indonesia đã phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng như những năm 1990. Nếu không có sự phục hồi của lĩnh vực này, cùng với các chính sách để đưa Indonesia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng 8% của ông Prabowo sẽ vẫn còn xa vời.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Prabowo mở rộng các bộ khi xét đến áp lực tài chính mà Indonesia phải đối mặt. Tỷ lệ dịch vụ nợ (DSR) tăng cũng khiến ngân sách dành cho chi tiêu xã hội và đầu tư cơ sở hạ tầng ít hơn. Năm 2020, DSR đạt đỉnh ở mức 46,7%, nghĩa là gần một nửa doanh thu của nhà nước được dành để trả nợ, thay vì tài trợ cho các nhu cầu phát triển quan trọng. Nếu chính phủ mới tiếp tục mở rộng chi tiêu mà không giải quyết những mất cân bằng này, họ sẽ phải đối mặt với những hạn chế đáng kể trong việc thực hiện tầm nhìn kinh tế của mình.
Một cách để giải quyết những thách thức về tài chính này là tăng doanh thu, đặc biệt là thông qua cải cách thuế. Tỷ lệ thuế trên GDP của Indonesia từ lâu đã không đủ, dao động quanh mức 10%, thấp hơn nhiều so với mức 16% mà ông Prabowo kỳ vọng sẽ đạt được. Các chuyên gia nhận định, mở rộng cơ sở thuế là rất quan trọng, đặc biệt là bằng cách chính thức hóa khu vực phi chính thức lớn của đất nước - nơi chiếm gần 60% lực lượng lao động. Việc chuyển đổi những người lao động này sang nền kinh tế chính thức không chỉ làm tăng doanh thu thuế mà còn cung cấp cho họ mức độ an toàn và khả năng tiếp cận các chế độ bảo vệ xã hội.
Nhưng những nỗ lực tăng cơ sở thuế phải đi kèm với việc cải thiện hiệu quả chi tiêu. Ví dụ, trợ cấp nhiên liệu đã là gánh nặng lâu dài đối với ngân sách của Indonesia. Trong khi các chính quyền trước đây đã cố gắng cắt giảm đáng kể các khoản trợ cấp này, thì vẫn cần phải cải cách thêm nữa để phân bổ lại chi tiêu cho các lĩnh vực hiệu quả hơn như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và trợ cấp trực tiếp cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Tăng cường khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu
Ngoài những thách thức về tài chính trong nước, việc Indonesia hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu vẫn là yếu tố quan trọng để đạt được tăng trưởng dài hạn. Chính quyền của ông Prabowo sẽ cần ưu tiên đưa Indonesia phù hợp với các tiêu chuẩn thương mại quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ nếu muốn thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc tiếp tục bổ nhiệm các chức danh chủ chốt, như ông Airlangga Hartarto vẫn giữ chức bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế và ông Sri Mulyani giữ chức bộ trưởng tài chính, được kỳ vọng sẽ giúp Indonesia tiếp tục trên con đường hướng tới sự cởi mở và bao trùm hơn trong các chính sách kinh tế của mình.
FDI là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở các thị trường mới nổi khác, tuy nhiên lượng FDI chảy vào Indonesia đã giảm, từ 2,8% GDP năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Sự trì trệ này là một lý do khiến tăng trưởng kinh tế của Indonesia vẫn ở mức khoảng 5% kể từ năm 2014. Để Indonesia trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, nước này phải thu hút nhiều FDI hơn vào các lĩnh vực hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là sản xuất. Tuy nhiên, các chính sách thương mại của Indonesia thường mang tính bảo hộ, làm cản trở khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được hỗ trợ toàn diện, không chỉ về mặt tiếp cận tín dụng mà còn về mặt cố vấn, đào tạo và phổ biến công nghệ. Các doanh nghiệp này có tiềm năng tạo ra việc làm cho tầng lớp trung lưu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rộng lớn hơn, miễn là họ có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cạnh tranh trên toàn cầu.
Thêm vào đó, các yếu tố bên ngoài như tăng trưởng ở Trung Quốc và tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn dai dẳng có thể cản trở tiến trình đạt được mục tiêu của ông Prabowo. Với sự phụ thuộc ngày càng tăng của Indonesia vào Trung Quốc, bất kỳ sự suy thoái nào trong nền kinh tế lớn này cũng có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến Indonesia.
Các chuyên gia nhận định, con đường đạt được mức tăng trưởng 8% của tân Tổng thống Prabowo đòi hỏi các cải cách thể chế sâu sắc, tập trung đổi mới vào việc phát triển tầng lớp trung lưu, quản lý tài chính tốt hơn và cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Chính phủ của ông Prabowo phải hành động, bảo đảm rằng việc mở rộng nội các không phải là một quyết định sai lầm, mà là một động thái chiến lược để biến Indonesia thành một nền kinh tế mạnh hơn, cạnh tranh hơn.
Châu Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/muc-tieu-tang-truong-8-cua-indonesia-co-kha-thi-post394926.html